Tiền Giang xuống giống vụ Đông Xuân đồng loạt né hạn mặn

Tiền Giang xuống giống vụ Đông Xuân đồng loạt né hạn mặn
Làm đất chuẩn bị gieo sạ ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
 Làm đất chuẩn bị gieo sạ ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang triển khai nhiều biện pháp thích hợp nhằm phấn đấu đạt năng suất bình quân 68,05 tạ/ ha và sản lượng cả vụ gần 164.000 tấn lúa hàng hóa. Nằm trong vùng ảnh hưởng hạn, mặn ven biển, thời tiết và thủy văn bất lợi, sản xuất khó khăn. Do vậy, để bảo đảm giành vụ Đông Xuân mới thắng lợi, tỉnh xây dựng lịch thời vụ xuống giống đồng loạt căn cứ trên dự báo tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 – 2020 cũng như hiện trạng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và diễn biến rầy vào đèn, phù hợp thực tế nhằm giúp né rầy vừa đảm bảo cây lúa đủ lớn và cắt nước khi mùa hạn hán, xâm nhập mặn vào cao điểm tại đây (gọi tắt là lịch thời vụ né rầy, né hạn mặn). Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, các địa phương trong vùng dự án khuyến cáo nông dân sử dụng 100% giống lúa thơm và lúa chất lượng cao nhằm nâng chất lượng lúa hàng hóa khi thu hoạch trên thị trường như VD 20, Đài Thơm 8, OM 4900, Nàng Hoa 9,… Đồng thời, khuyến nông và bảo vệ thực vật cũng được hết sức quan tâm. Theo đó, tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông, tập huấn nông dân về kỹ thuật canh tác trong điều kiện hạn mặn, tiếp tục triển khai Đề án “ Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” và Dự án xây dựng “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025” Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn khuyến khích nông dân áp dụng rộng rãi những biện pháp thâm canh tiên tiến theo “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPM, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”,… Cũng như nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo GAP, mô hình quản lý dịch hại theo hướng an toàn, mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nhằm giải quyết đầu ra hợp lý cho hạt lúa hàng hóa, nông dân hưởng lợi. Ngoài ra, trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020, các huyện, thị phía Đông tỉnh Tiền Giang tiếp tục liên kết xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa gạo đồng thời triển khai việc xây dưng thương hiệu gạo Gò Công chất lượng cao nhằm tạo thuận lợi, nâng khả năng cạnh tranh của hạt gạo vùng Gò Công, tạo nguồn nông sản xuất khẩu chất lượng cao làm giàu cho quê hương.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm