Tiền Giang có tiềm năng phát triển kinh tế vườn

Tiền Giang có tiềm năng phát triển kinh tế vườn
Nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp mà kinh tế vườn là một trong những tiềm năng kinh tế hàng đầu.
Anh Bùi Văn Lượm ở Tiền Giang thu hoạch khoai mỡ. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Anh Bùi Văn Lượm ở Tiền Giang thu hoạch khoai mỡ. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Theo bà Trần Thanh Phong, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Tiền Giang, diện tích trồng cây lâu năm của địa phương lên đến hàng trăm ngàn ha; trong đó, riêng về trồng cây ăn quả trên 77.000 ha, chiếm đến 39,6% tổng diện tích đất nông nghiệp trong tỉnh. Đây là tiềm năng kinh tế rất lớn đang được khai thác, phát huy trong sự nghiệp dân giàu nước mạnh tại địa phương. Đóng góp vào đó, phải nói đến nỗ lực lớn của các ngành chức năng trong công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật nghề vườn và xây dựng, nhân rộng những mô hình kinh tế VAC, VAC kết hợp Biogas, trồng cây ăn quả theo tiêu chí GAP, tạo ra những nông sản hàng hóa chất lượng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường hướng đến xuất khẩu… nhằm giúp nhà vườn làm giàu bền vững. Cũng theo bà Trần Thanh Phong, trước cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Tiền Giang xác định đánh thức tiềm năng kinh tế vườn quả theo hướng xây dựng những vùng chuyên canh hướng đến xuất khẩu, nhân rộng mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) hay VAC kết hợp Biogas là hướng đi quan trọng, mang lại giá trị gia tăng lớn vừa cho ra những nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao xuất khẩu đảm bảo an toàn, truy xuất nguồn gốc. Với định hướng như thế, Tiền Giang đã xác định những cây ăn quả chủ lực cần phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, mãng cầu xiêm Tân Phú Đông… nhằm tạo nguồn cung nông sản hàng hóa dồi dào, ổn định cho thị trường trong ngoài nước. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được vùng trồng thanh long chuyên canh lên đến gần 7.000 ha tại các huyện trọng điểm: Chợ Gạo, Gò công Tây, Gò công Đông, Tân Phước; vùng trồng sầu riêng  gần 10.000 ha tại các huyện vùng ngập lũ: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, thị xã Cai Lậy; vùng trồng dứa (khóm) trên Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước gần 17.000 ha… Nhằm nâng cao hiệu quả nghề làm vườn một cách bền vững, Hội Làm vườn kết hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang một mặt mở các lớp chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến khích chọn giống tốt, trồng theo qui trình khoa học Global GAP, Viet GAP đồng thời với xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế tổng hợp VAC, VAC – biogas… trên diện rộng để bà con cùng áp dụng rộng rãi. Chỉ tính trong 5 năm qua, , Hội Làm vườn và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang đã tổ chức được tổng cộng gần 3.700 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm vườn, xây dựng trên 1.400 mô hình trình diễn. Qua đó, giúp nhà vườn tiếp cận được các giống cây trồng mới, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới như: tỉa cành tạo tán, bao trái, xử lý nghịch vụ trên cây ăn trái… nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người dân. Ngoài ra, từ kinh phí các dự án khuyến nông triển khai trên địa bàn, liên  ngành Trung tâm Khuyến nông và Hội Làm vườn tỉnh Tiền Giang còn hỗ trợ bà con xây 11.066 hầm ủ khí sinh học nhằm giải quyết ô nhiễm trong chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất vừa tăng thêm hiệu quả kinh tế cho nông hộ nhờ có nguồn phân hữu cơ bón cây trồng, có khí gas dùng trong sinh hoạt cùng nhiều tiện ích khác. Đặc biệt, các mô hình VAC công nghệ cao cũng được đầu tư chuyển giao và đang nhân rộng tại địa phương như: mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở ven thành phố Mỹ Tho và các huyện, thị; trồng rau và cây ăn quả theo tiêu chí Global GAP, Viet GAP, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước hoặc tưới phun tự động trên cây trồng… Theo bà Trần Thanh Phong, thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 50 nhà màng trồng dưa lưới với mức lợi nhuận thu được từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng/ 1.000 m2/ năm; 100 nhà lưới hở trồng rau ăn lá sản xuất 7 - 8 vụ/ năm, lợi nhuận 300 triệu đồng - 400 triệu đồng/ ha/ năm; gần 300 ha cây ăn quả, rau quả đạt chứng nhận Viet GAP hoặc Global GAP… Qua đó, nhiều nông dân vượt khó, thoát nghèo nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả đặc sản lồng ghép trong các mô hình. Điển hình như mô hình trồng dừa Mã lai kết hợp nuôi cá dưới ao mương của ông Nguyễn Văn Chơn ở xã Trung Hòa, Chợ Gạo cho lãi ròng mỗi năm trên 200 triệu đồng. Mô hình VAC của ông Đỗ Hiếu Liêm ở xã Phú Kiết, Chợ Gạo mỗi năm thu lãi ròng trên nửa tỷ đồng. Mô hình  kết hợp ương cá giống với nuôi cá thịt dưới ao và trồng dừa của ông Lưu Minh Tài ở thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây thu lãi ròng trên 130 triệu đồng/ năm… Trên địa bàn tỉnh hiện nay, ước tính có 2.440 trang trại vừa và nhỏ trong đó có 1.640 trang trại nông nghiệp, chủ yếu là lập vườn quả chuyên canh gắn kết trong mô hình kinh tế tổng hợp mang lại giá trị gia tăng cao mà Hội Làm vườn kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang chuyển giao trong thời gian qua. Các trang trại trên có tổng qui mô đất sản xuất 4.522 ha, sử dụng gần 2 vạn lao động, bình quân thu nhập ròng mỗi trang trại đạt hàng trăm triệu đồng/ năm. Nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến, kinh tế vườn đang khởi sắc, hiệu quả mang lại cao và tạo nguồn nông sản chất lượng, có giá trị hướng đến xuất khẩu. Theo bà Trần Thanh Phong, thu nhập từ vườn cây tại Tiền Giang cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa năng suất cao. Cao nhất là các hộ dân trồng chuyên canh sầu riêng, thanh long, bưởi da xanh…
Minh Trí
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm