Tiền Giang: Quỹ Hỗ trợ nông dân - Kênh trợ vốn hiệu quả

Tiền Giang: Quỹ Hỗ trợ nông dân - Kênh trợ vốn hiệu quả

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Hồng Phượng, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong tỉnh đã đạt trên 72 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương ủy thác trên 15,5 tỷ đồng, vốn ngân sách trên 19,2 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn vận động từ các tổ chức, cá nhân đóng góp. Từ nguồn vốn này, Ban Điều hành Quỹ đã triển khai 38 dự án trợ vốn cho trên 10.000 lượt hội viên với tổng kinh phí trên 61 tỷ đồng phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.

Tiền Giang: Quỹ Hỗ trợ nông dân - Kênh trợ vốn hiệu quả ảnh 1Đánh giá hiệu quả cây ra hoa trái vụ trong quá trình phủ bạt nylon. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Ban Điều hành Quỹ hướng dẫn các chi, tổ hội lập dự án phát triển trồng trọt, chăn nuôi, khẩn trương thẩm định và giải ngân nhanh. Nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn, Ban Điều hành Quỹ phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân (Hội Nông dân), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn, hướng dẫn xây dựng phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật... cho hội viên nông dân.

Nông dân Lê Văn On (ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy) được Quỹ hỗ trợ 50 triệu đồng trong khuôn khổ Dự án nuôi cá và cải tạo vườn tạp do Hội Nông dân xã Tân Hội triển khai. Gia đình ông đã chuyển đổi 1 ha đất trồng lúa bấp bênh sang mô hình nuôi và ương dưỡng cá giống, lập vườn trồng dừa, mít... Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi ròng trên 300 triệu đồng. Ông Lê Văn On đánh giá Quỹ là kênh hiệu quả, thiết thực, là chỗ dựa vững chắc cho nông dân nghèo thiếu vốn.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội Nguyễn Văn Khanh, Dự án nuôi cá và cải tạo vườn tạp của Hội Nông dân xã được Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ 600 triệu đồng với 15 hộ được hưởng lợi, bình quân mỗi hộ từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy theo quy mô sản xuất và nhu cầu vốn. Thời gian hỗ trợ 3 năm (2018-2021). Năm 2021 là năm cuối thực hiện Dự án. Theo đánh giá của Hội Nông dân xã, 100% hộ đều sử dụng đồng vốn hiệu quả. Ấp Tân Hòa đã thành lập được Chi hội nghề cá với 20 thành viên. 100% thành viên vượt khó, thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ giàu. Nhờ đó năm 2020, Tân Hội đã đạt chuẩn xã nông thôn mới và hướng tới mục tiêu trở thành xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Nông dân Võ Thanh Tùng (ấp Hiệp Phú, xã Hiệp Đức) có 6.000 m2 đất trồng sầu riêng, nhưng thiếu vốn chăm sóc và phát triển vườn. Được Quỹ hỗ trợ 50 triệu đồng, ông Võ Thanh Tùng áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ, đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc... Nhờ vậy, sầu riêng khi thu hoạch được thương lái thu mua giá cao. Mỗi năm ông thu lãi ròng trên 300 triệu đồng, nghiễm nhiên trở thành triệu phú nông thôn.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Hồng Phượng đánh giá, Quỹ Hỗ trợ nông dân là kênh trợ vốn hiệu quả cho hội viên. Đây cũng là kênh kết nối nông dân nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị và vận động nông hộ tham gia tổ chức Hội. Qua đó, đổi mới hoạt động Hội Nông dân, đưa các hoạt động về cơ sở và nâng cao chất lượng mạng lưới Hội, góp phần xây dựng Hội Nông dân vững mạnh. Để đảm bảo hiệu quả đồng vốn và nhiệm vụ chính trị được giao, phát huy vai trò kênh trợ vốn nông dân hiệu quả, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục xoay vòng nguồn vốn khi đến hạn thu hồi, triển khai thêm các dự án mới khả thi.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm