Tiền Giang: Nông dân nhạy bén, tạo dựng cơ nghiệp bền vững

Tiền Giang: Nông dân nhạy bén, tạo dựng cơ nghiệp bền vững

Tại Tiền Giang, tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến khó lường; hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống. Nông dân trồng lúa độc canh càng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức bởi hiệu quả không cao, đầu ra hạt lúa bấp bênh trong khi giá vật tư nông nghiệp đắt đỏ, chi phí sản xuất ngày càng cao trong khi nguy cơ thiên tai hạn – mặn luôn chực chờ vào mùa khô hàng năm.

Tiền Giang: Nông dân nhạy bén, tạo dựng cơ nghiệp bền vững ảnh 1Anh Nguyễn Văn Hòa chăm sóc mít trong vườn. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Trong “cái khó ló cái khôn”, nông dân Nguyễn Văn Hòa, cư ngụ tại ấp Phú Hòa, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy nhiều năm nay đã tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững. Ông Hòa cho biết, gia đình ông có quỹ đất canh tác 2,3 ha, trước đây trồng lúa mỗi năm 3 vụ. Nhận thấy làm lúa vất vả quanh năm nhưng thu nhập không cao, ông nghiên cứu chuyển đổi sản xuất theo hướng đa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với sự nhạy bén, sau khi nghiên cứu thị trường cũng như học tập kinh nghiệm từ những nông dân đi trước, từ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và các kênh thông tin hữu ích khác cho nhà nông, ông quyết định chuyển từ độc canh cây lúa sang mô hình VAC (Vườn - Ao - Chuồng).

Thời điểm ban đầu vào năm 2005, ông Nguyễn Văn Hòa thử nghiệm cải tạo 2.000 m2 đất trồng lúa sang lập vườn trồng mít Thái. Theo ông Hòa, mít Thái dễ trồng, năng suất cao, ít chi phí và giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, mít Thái còn có ưu điểm là cho trái rải vụ gần như quanh năm, mang đến nông dân nguồn thu nhập cao hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác, nhất là cây lúa.

Mít Thái trồng sau 2 năm tuổi đã bắt đầu cho thu hoạch. Khi cây trưởng thành, năng suất bình quân mỗi năm đạt 20 - 30 tấn/ha. Nhờ tích cực nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm thâm canh, vườn mít của ông Nguyễn Văn Hòa lúc nào cũng sum suê, trái trĩu quả, hiệu quả kinh tế cao. Thấy thành công từ cây trồng mới, từ 2.000 m2 mít ban đầu, đến nay, ông đã mở rộng diện tích mít Thái chuyên canh lên 8.000 m2. Khu vườn mít này trung bình mỗi tuần cho thu hoạch khoảng 500 kg mít thương phẩm, mỗi năm thu từ 25 đến 26 tấn quả. Khi bán, trừ chi phí, ông còn lãi không dưới 200 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây.

Song song đó, tận dụng đất trồng trong vườn nhà, ông Nguyễn Văn Hòa còn xây chuồng trại chăn nuôi lợn thịt. Trung bình mỗi tháng, ông xuất chuồng khoảng 10 con lợn thịt, thu khoảng 45 triệu đồng. Đối với 1,5 ha đất trồng lúa còn lại, ông chú trọng tiếp thu và áp dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh, chọn giống chất lượng cao đưa vào canh tác cũng như cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm giành những vụ mùa bội thu. Trong vụ Đông Xuân 2021-2022, trà lúa ruộng ông đạt năng suất rất cao, 80 tạ/ha, giống lúa Đài Thơm 8. Vụ này, thương lái thu mua giá 6.000 đồng/kg, bán trừ chi phí, gia đình ông còn lãi trên 50 triệu đồng. Tính qua hai vụ sản xuất trong năm, gia đình ông lãi gần 100 triệu đồng từ thâm canh cây lúa năng suất cao.

Về hiệu quả mô hình sản xuất VAC thích ứng biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi ròng trên 360 triệu đồng. Nhờ mô hình VAC, ông Hòa đã tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng, xây nhà cửa khang trang, đầu tư cho con cái học hành và có thêm vốn liếng tích lũy tái sản xuất hàng năm cũng như góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hưởng ứng chủ trương về xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Hòa đã tự nguyện hiến thửa đất có bề rộng 5 m, dài khoảng 30 m, tổng diện tích gần 150 m2 để nhà nước mở rộng và nâng cấp lộ Đường Nước theo chuẩn quốc gia. Nói về việc làm của mình, ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mà đối tượng thụ hưởng chính là người nông dân. Do vậy, mỗi người, với ý thức trách nhiệm của mình cần phải đóng góp sức công, sức của để đổi mới diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở đường cho quê hương thuần nông sớm đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận Phạm Công Trung đánh giá cao mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu cũng như tấm gương tiên phong hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới của ông Nguyễn Văn Hòa. Nhiều năm liền, ông Hòa được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang.

Theo Bí thư Đảng ủy xã, nhờ những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và hết lòng vì cộng đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới như ông Nguyễn Văn Hòa, Phú Nhuận đã ra mắt thành công xã nông thôn mới vào năm 2020 và dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ ra mắt tiếp xã nông thôn mới nâng cao.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm