Tiền Giang nỗ lực giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa

Tiền Giang nỗ lực giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, nông dân Tiền Giang đã trồng được gần 49.000 ha rau màu; trong đó, có 5.245 ha rau màu trồng dưới chân ruộng theo các mô hình luân canh, chuyên canh trên nền đất lúa. Đến đầu tháng 9/2020, bà con thu hoạch được trên 41.000 ha với sản lượng rau màu các loại gần 815.000 tấn cung ứng thị trường.

Tiền Giang nỗ lực giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa ảnh 1 Trồng dưa lưới trong nhà màng ở huyện Gò Công Tây. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang có thế mạnh về trồng rau màu thực phẩm, rau màu lương thực với những vùng trồng tập trung rộng lớn tại huyện Châu Thành, vùng ven thành phố Mỹ Tho, khu vực Đồng Tháp Mười… cung ứng nguồn rau màu thương phẩm cho các thị trường tiêu thụ lớn như Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phía Nam,…

Để phát huy tiềm năng cây màu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi lên, Tiền Giang quan tâm quy hoạch định hình vùng trồng, xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả theo hướng luân canh, chuyên canh, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh theo khoa học gắn với mở rộng mạng lưới tiêu thụ nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân hưởng lợi. Đồng thời, còn khuyến khích bà con đưa cây màu xuống chân ruộng nhằm tạo ra cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, trước nhu cầu đổi mới sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, Tiền Giang cũng đã xây dựng Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía đông đến năm 2025 tỉnh Tiền Giang”; trong đó, chú trọng chuyển từ đất trồng lúa sang trồng rau màu tại các địa bàn ven biển đặc biệt khó khăn để phòng chống hạn mặn và giảm nhẹ thiên tai.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quý, cụ thể hóa đề án trên, Gò Công Đông khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng màu trên nền đất lúa, phát triển và nhân rộng mô hình tổ hợp tác rau an toàn nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa.

Năm 2020, huyện phấn đấu xuống giống 10.700 ha rau màu thực phẩm, sản lượng 190.500 tấn; trong đó, có từ 300-400 ha màu trồng trên chân ruộng. Ngoài ra, phát triển và nhân nhanh mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã chuyên sản xuất rau an toàn gắn với liên kết chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa và bảo đảm thu nhập cao cho xã viên.

Tương tự, tại huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười cũng phát triển các loại rau màu thực phẩm, màu lương thực như: dưa hấu, dưa leo, khoai mì (sắn), khoai mỡ…giúp đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống cho nông dân mới vào lập nghiệp, khai hoang sản xuất.

Cùng đó, chủ động đưa khoa học công nghệ vào sản xuất cũng tạo diện mạo mới cho các vùng trồng rau màu tại địa phương. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, có đến 90% diện tích rau ăn quả: dưa leo, ớt, cà chua, bắp,… trên địa bàn sử dụng giống F1 cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, thị trường ưa chuộng. Nhiều giống rau màu mới cũng được đưa vào cơ cấu cây trồng cho triển vọng tốt như: bắp rau, bí hồ lô, những giống rau màu mới do Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo và đưa vào sản xuất đại trà tại Tiền Giang.

Đáng chú ý, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất đã giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản tham gia thị trường. Theo đó, diện tích áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất trong sản xuất rau màu đạt tỷ lệ 38,11% tổng diện tích trồng màu hiện hữu; bơm tát bằng cơ giới đạt 97,85% tổng diện tích, phun thuốc bằng máy đạt 30,5%. Đặc biệt, có đến 58,5% diện tích trồng rau màu có thiết kế hệ thống tưới phun tự động giúp tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sinh lợi.

Nhờ vậy, nếu thu nhập từ cây rau màu cách đây 5 năm chỉ đạt mức trung bình từ 124 triệu đồng đến khoảng 144 triệu đồng/ha/năm thì đến nay, đã tăng gấp đôi, đạt mức khoảng 227 triệu đồng đến 271,5 triệu đồng/ha/năm. Do vậy, hầu hết những nông dân tích cực chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đưa cây rau màu vào cơ cấu sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật thâm canh đều có thu nhập cao, cuộc sống gia đình cải thiện, ngày càng khấm khá hẳn lên.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm