Tiền Giang khắc phục sạt lở theo đặc điểm, qui mô từng điểm cụ thể

Điểm sạt lở có chiều dài gần 50 m ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Điểm sạt lở có chiều dài gần 50 m ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trước tình hình sạt lở bờ sông rạch đang diễn biến phức tạp, địa phương coi trọng thực thi cả hai giải pháp công trình và phi công trình khắc phục một cách căn cơ và hiệu quả, tùy theo đặc điểm và qui mô từng điểm sạt lở cụ thể.

Tiền Giang khắc phục sạt lở theo đặc điểm, qui mô từng điểm cụ thể ảnh 1 Điểm sạt lở có chiều dài gần 50 m ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

UBND tỉnh giao các địa phương kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở mới, phân loại xây dựng kế hoạch, lộ trình khắc phục cụ thể bằng các nguồn vốn đầu tư huy động được như: vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã, vốn người dân đóng góp và các nguồn hỗ trợ khác, đồng thời ưu tiên tổ chức di dời nhà ở, công trình công ích xã hội… đến nơi an toàn nhằm đảm bảo về an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, không để sự cố đáng tiếc xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn triển khai phương án trồng cây chắn sóng, chắn gió, làm kè giữ và nuôi trồng lục bình phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch nhằm chủ động ứng phó sạt lở một cách hiệu quả. Theo kế hoạch, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 50% kinh phí để các xã thực hiện mô hình, còn lại cấp xã và nhân dân đóng góp. Cụ thể, đối với các tuyến kênh chính và kênh cấp 1, hỗ trợ 92.000 đồng/mét dài; đối với kênh cấp 2, cấp 3 là 90.000 đồng/mét dài; đối với trồng cây phòng hộ chống sạt lở ven bờ mức hỗ trợ cho ngân sách xã thực hiện là 7.000 đồng/cây giống.

Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống sạt lở, bảo vệ sản xuất và đời sống cũng được hết sức chú trọng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của ngành chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chung tay phòng ngừa sạt lở bằng những hành động và việc làm hữu ích như tích cực trồng cây chắn sóng, chắn gió; làm kè lục bình phòng, chống sạt lở, chủ động ngăn ngừa những tác nhân gây sạt lở…

Theo ghi nhận của ngành chức năng, thời gian qua, sạt lở tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành… Riêng năm 2021, tại huyện Cái Bè ghi nhận 40 điểm sạt lở, tại huyện Cai Lậy 44 điểm, huyện Châu Thành 19 điểm… Nguyên nhân là do lượng phù sa bồi và bùn cát từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về giảm mạnh trong những năm gần đây; phương tiện thủy lưu thông tấp nập tạo sóng gây sạt lở; nền đất hai bên bờ sông, rạch yếu kết hợp tác động sóng, gió xâm thực và biến đổi khí hậu khiến bờ sông ngòi và kênh rạch sạt lở với diễn biến ngày càng phức tạp… cùng một số các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác.

Trước tình hình trên, trong năm 2021, địa phương đã đầu tư trên 153 tỷ đồng, kịp thời xử lý 126 điểm sạt lở có tổng chiều dài trên 8.600m nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân. Trong đó, kinh phí tỉnh đầu tư trên 122 tỷ đồng xử lý 63 điểm sạt lở lớn, còn lại các huyện, thành, thị đầu tư nguồn vốn xử lý các điểm sạt lở quy mô nhỏ hơn theo phân cấp. Ngoài ra, Trung ương cũng hỗ trợ địa phương 150 tỷ đồng triển khai các dự án khắc phục sạt lở tại bờ biển Gò Công (huyện Gò Công Đông), bờ kênh 28 (huyện Cái Bè) và khu vực Đồn biên phòng Vàm Láng (huyện Gò Công Đông). Hiện nay, các công trình khắc phục sạt lở do Trung ương hỗ trợ đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong sản xuất và đời sống.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm