Tiền Giang huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Tiền Giang huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Tiền Giang có 118 xã, chiếm 83,51% số xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chiếm 6,99%. Toàn tỉnh có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công, thành phố Mỹ Tho, hai huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông. Tỉnh phấn đấu năm 2021 có thêm 13 xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, địa phương huy động 1.353 tỷ đồng từ ngân sách các cấp đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng xây dựng nông thôn mới, trong đó, riêng ngân sách cấp huyện và cơ sở đóng góp khoảng 277 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực miền Nam đầu tư thêm khoảng 60 tỷ đồng nâng cấp lưới điện nông thôn, giúp các xã đạt tiêu chí về an toàn điện.

Tiền Giang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng chung sức xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua những hành động, việc làm thiết thực. Tỉnh xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hay trong xây dựng nông thôn mới tại cơ sở, tạo sức lan tỏa rộng trong cộng đồng.

Tiền Giang huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới ảnh 1Người dân ở vùng kiểm soát lũ Cai Lậy chăm sóc mít Thái siêu sớm. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Tiền Giang chú trọng lồng ghép Chương trình xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới theo hướng xã hội hóa, vốn đóng góp của nhân dân, phát động phong trào hiến đất kiến thiết hạ tầng giao thông - thủy lợi trong người dân nông thôn…

Các huyện vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền là Cái Bè và Cai Lậy huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Phấn đấu đến cuối năm 2021, các xã Hậu Mỹ Bắc A, Thiện Trung, An Thái Đông (huyện Cái Bè) và Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc, Phú Cường (huyện Cai Lậy) ra mắt xã nông thôn mới. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, các xã trên đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay,các xã Thiện Trung, An Thái Đông, Hậu Mỹ Bắc A đang thi công 3 công trình xây dựng cơ bản. Các công trình còn lại đang lập hồ sơ mời thầu và đấu thầu. Các xã rà soát tiêu chí đạt và chưa đạt để đưa ra giải pháp cụ thể khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ... Các xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc, Phú Cường tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương chung sức xây dựng nông thôn, tích cực góp công sức, hiến đất đai hoàn thiện kiến thiết hạ tầng nông thôn mới. Các xã tranh thủ thêm nguồn lực nhằm sớm hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tiền Giang huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới ảnh 2 Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Thạnh, xã Bình Tân, huyện Gò Công (Tiền Giang) sản xuất nhiều loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Theo Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Nam Nguyễn Văn Giang, địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, phát huy vai trò của đoàn thể chính trị -xã hội tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới thông qua việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu. Địa phương đã tích cực vận động nhân dân hiến quỹ đất, góp công sức kiện toàn kiến thiết hạ tầng nông thôn như, giao thông, thủy lợi…

Nhiều nông dân đã tình nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn trên địa bàn. Điển hình, ông Trần Thanh Long, ngụ tại ấp 6, xã Mỹ Thành Nam hiến thửa đất 450 m2 để Nhà nước thi công tuyến lộ Đường Nước theo chuẩn nông thôn mới.

Ông Trần Thanh Long cho biết, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cần sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân. Gia đình ông đã tự nguyện hiến đất, đóng góp thêm ngày công để tuyến lộ Đường Nước hoàn thành tạo diện mạo nông thôn mới vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Năm nay, Gò Công Tây là địa phương duy nhất đăng ký ra mắt huyện nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, hiện nay, 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, một xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và dự kiến cuối năm 2021 có thêm một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Gò Công Tây hiện đạt 4/9 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí còn lại theo lộ trình sẽ hoàn thành trong tháng 10/2021 và hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp thẩm quyền thẩm định trong tháng 11/2021.

Tiền Giang huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới ảnh 3 Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cùng các ngành chức năng tham quan trang trại nuôi dê sữa của Hợp tác xã Đông Nghi, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam đánh giá, Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương đang đi vào đời sống, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng cao nhờ lợi ích thiết thực mang lại, tạo diện mạo mới cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Năm 2021, Tiền Giang với quyết tâm cao hoàn thành thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra cũng chính nhằm cụ thể hóa những nỗ lực của địa phương đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống COVID-19 hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm