Tiền Giang gieo sạ gần 24.000 ha lúa Đông Xuân theo hướng né hạn – mặn

Vụ Đông Xuân 2020 – 2021, vùng duyên hải Gò Công (tỉnh Tiền Giang) gồm các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo có kế hoạch xuống giống gần 24.000 ha. Các địa phương phấn đấu áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh nhằm giành vụ sản xuất mới bội thu với sản lượng khoảng 152.000 tấn lúa hàng hóa.

Tien Giang gieo sa gan 24.000 ha lua Dong Xuan theo huong ne han – man hinh anh 1Giao sạ lúa theo kế hoạch để đạt sản lượng cao. Ảnh: Trường Giang, TTXVN

Ngoài ra, các huyện, thị trong khu vực cũng có kế hoạch xuống giống 16.500 ha rau màu các loại, cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2021 với sản lượng vào khoảng 336.000 tấn.

Đáng chú ý, căn cứ dự báo tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 – 2021 và hiện trạng diễn biến rầy vào đèn đồng thời đảm bảo chủ động phòng chống bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa cũng như né được hạn – mặn gây hại, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã dự kiến khung lịch thời vụ xuống giống tập trung, đồng loạt từ ngày 20 đến 30 tháng 10 để cho thu hoạch vào thời điểm từ ngày 14 đến ngày 24/12, ngay trước Tết Nguyên đán sắp tới.

Đồng thời, để nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa tham gia thị trường xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân những địa bàn khó khăn, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con sử dụng 100% giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451,…

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp và thương nhân liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm đầu ra cho nông sản hàng hóa.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, đảm bảo sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình cho toàn vùng; trong đó, chú trọng khuyến nông và bảo vệ thực vật, khuyến cáo nông dân làm đất và vệ sinh đồng ruộng tốt cũng như ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào quá trình canh tác để đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, quan tâm xuống giống đồng loạt theo lịch xuống giống tập trung do ngành chức năng đưa ra kết hợp ứng dụng rộng rãi quy trình canh tác theo “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; các chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, sản xuất theo hướng GAP,…

Mặt khác, Tiền Giang cũng tiếp tục triển khai đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện, thị phía Đông theo hướng chuyển sang trồng rau màu, cây ăn trái hoặc cây trồng khác đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn…

Ngoài ra, tỉnh cũng có kế hoạch đầu tư khoảng 50 tỷ đồng thi công các công trình thủy lợi, cống đập, kênh mương phục vụ sản xuất, phòng chống hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai cho các huyện, thị duyên hải Gò Công trong mùa khô 2020 - 2021, phấn đấu để nhân dân khu vực giành vụ sản xuất mới thắng lợi, ổn định và nâng cao đời sống, thích ứng biến đổi khí hậu.

Minh Trí

Tin liên quan

Xuống giống vụ Hè Thu 2020 đồng loạt để né rầy, né hạn đầu vụ

An Giang tập trung xuống giống vụ Hè Thu 2020 đồng loạt để né rầy, né hạn đầu vụ là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch của ngành nông nghiệp An Giang được ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang thông tin tại hội nghị “Sơ kết vụ Đông Xuân 2019-2020 và triển khai kế hoạch vụ Hè Thu 2020 của tỉnh An Giang”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức ngày 28/4.


Nông dân Sóc Trăng được mùa lúa nhờ né hạn mặn

Đến giữa tháng 3 này, nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích lúa Đông Xuân trong tổng diện tích hơn 18.600 ha xuống giống. Nhờ các biện pháp chủ động ứng phó với hạn mặn tốt mà vụ Đông Xuân năm nay được cho là thắng lợi trong điều kiện khô hạn lịch sử nhiều địa phương khác đang phải chịu thiệt hại nặng.



Đề xuất