Tiền Giang công bố Chợ Gạo là huyện thứ hai đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 7/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Chợ Gạo đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đây là huyện thứ hai của tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới sau huyện Gò Công Đông (được công bố vào ngày 1/9).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa đánh giá, đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu thành quả quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau chặng đường 10 năm triển khai trên địa bàn; đặc biệt là đối với huyện Chợ Gạo vốn giàu các tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Gạo phát huy thành tích xây dựng thành công huyện nông thôn mới, khẩn trương triển khai tốt các kế hoạch, lộ trình thực hiện nâng chất các tiêu chí đã đạt được, hướng đến mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo Nguyễn Hồng Hữu, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, huy động mọi nguồn lực chung sức xây dựng nông thôn mới.

Huyện Chợ Gạo đã huy động tổng nguồn vốn với hơn 5.647 tỷ đồng cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới; trong đó vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 1.415 tỷ đồng, chiếm 25,1 %. Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện đã khẩn trương vào cuộc, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhân dân về việc chung tay xây dựng nông thôn mới thông qua những việc làm thiết thực.

Tien Giang cong bo Cho Gao la huyen thu hai dat chuan nong thon moi hinh anh 1Tuyến đường xanh - sạch - đẹp tại Huyện lộ 23B được Hội Phụ nữ xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) vận động hội viên phụ nữ trồng hoa. Ảnh: tiengiang.gov.vn

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Chợ Gạo đã đạt được những kết quả nổi bật. Huyện có tất cả 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đạt toàn bộ 9 tiêu chí của huyện nông thôn mới. Cụ thể, toàn huyện có 24 tuyến đường huyện dài 135 km đã được nhựa hóa; hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố; tất cả các hộ dân sử dụng điện thường xuyên an toàn. Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn hạng III, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh huyện được đầu tư xây dựng đạt chỉ tiêu quy định. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đều có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản và cơ sở chăn nuôi đều đã có hồ sơ môi trường theo quy định… Điều này giúp bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, ngày càng hiện đại, khang trang, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và từng bước nâng lên; quốc phòng, an ninh củng cố vững chắc.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị của huyện gắn với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận cao đối với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.

Phát huy thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, huyện Chợ Gạo đặt ra mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu xây dựng ít nhất 8 - 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 1 - 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2020 huyện đạt cơ bản tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện phấn đấu đến năm 2025 đạt thu nhập bình quân đầu người 95 - 100 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; giữ vững tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên và an toàn đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% trở lên; số hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo quy định ở mức 99%; số lao động qua đào tạo đạt 45%.

Hữu Chí

Tin liên quan

Tiền Giang nỗ lực giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, nông dân Tiền Giang đã trồng được gần 49.000 ha rau màu; trong đó, có 5.245 ha rau màu trồng dưới chân ruộng theo các mô hình luân canh, chuyên canh trên nền đất lúa. Đến đầu tháng 9/2020, bà con thu hoạch được trên 41.000 ha với sản lượng rau màu các loại gần 815.000 tấn cung ứng thị trường.


Nông thôn mới - sức sống mới ở thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang

Thành phố Mỹ Tho nằm bên bờ sông Tiền, là đô thị trung tâm tỉnh Tiền Giang và đô thị loại I trực thuộc tỉnh được công nhận đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố hiện có 11 phường và 6 xã với diện tích tự nhiên 8.154 ha, dân số gần 230.000 người. Khu vực nông thôn chiếm trên 78% diện tích và khoảng 40% dân số.


Tiền Giang thành lập thêm nhiều hợp tác xã mới

Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Hồng cho biết, để kinh tế tập thể tiếp tục phát triển vững mạnh và đúng định hướng, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, trong 10 tháng năm 2019, Tiền Giang đã thành lập thêm 14 hợp tác xã mới với 556 thành viên, vốn góp trên 3,024 tỷ đồng.


Tiền Giang phấn đấu đến năm 2020 có 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có 100 xã, chiếm 70% số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; có 3 đơn vị cấp huyện là thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là Gò Công Đông và Chợ Gạo. Ngoài ra, mỗi huyện, thành phố, thị xã phải có ít nhất một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trừ huyện cù lao Tân Phú Đông.


Tiền Giang tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

Năm 2019, Tiền Giang đầu tư trên 938 tỷ đồng xây dựng kiến thiết hạ tầng: Giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa…phấn đấu trong năm nay có thêm 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong nguồn kinh phí trên, vốn Trung ương hỗ trợ hơn 210 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Đến cuối tháng 8/2019, địa phương đã giải ngân được gần 385 tỷ đồng.



Đề xuất