Tiền Giang chuyển đất lúa sang trồng ngô mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tiền Giang chuyển đất lúa sang trồng ngô mang lại hiệu quả kinh tế cao
Tiền Giang: Nông dân ven biển Gò Công chuyển đổi cây trồng những địa bàn khó khăn trong mùa khô hạn gay gắt. Ảnh : Nguyễn Minh Trí - TTXVN
Tiền Giang: Nông dân ven biển Gò Công chuyển đổi cây trồng những địa bàn khó khăn trong mùa khô hạn gay gắt. Ảnh : Nguyễn Minh Trí - TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, với năng suất bình quân 36,1 tạ/ha, sản lượng bắp cả vụ đạt gần 7.000 tấn. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi ròng trên mỗi ha đất trồng ngô trên 56 triệu đồng, cao gấp 3,1 lần so với trồng lúa năng suất cao, bà con rất phấn khởi. Ông Hai Cầu, canh tác 2.500 m2 đất trồng lúa tại ven thị xã Gò Công. Trước đây, trồng độc canh mỗi năm 3 vụ lúa năng suất cao, ông Cầu nhận thấy luôn phải đối mặt với nhiều thách thức như: dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận giảm… Được sự khuyến khích của ngành chức năng, ông Cầu đã chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang trông ngô xuống chân ruộng. Trong vụ Đông Xuân vừa qua, với 2.500 m2 đất trồng bắp, ông Cầu thu lãi ròng gần 15 triệu đồng sau một vụ canh tác. Ông Cầu cho biết, dự kiến sẽ cơ cấu lại mùa vụ trên đất canh tác của mình theo hướng đưa hẳn cây ngô xuống trồng chuyên canh mỗi năm 4 vụ để giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Với cách làm mới này đã mở ra hướng đi hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất với cây trồng, vật nuôi phù hợp trên nền đất lúa. Cụ thể, cây bắp thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây lúa, chỉ 68 - 75 ngày nên mỗi năm có thể trồng 3 - 4 vụ. Ngô lại chịu hạn nên thích hợp những vùng khó khăn như: thị xã Gò Công. Đưa cây màu nói chung, cây ngô nói riêng xuống luân canh hoặc chuyên canh trên nền đất lúa, nhất là tại các địa bàn khó khăn, xa nguồn nước bơm tưới, thường xuyên đối mặt với hạn mặn và thiên tai như: Vùng Đồng Tháp Mười, vùng duyên hải Gò Công, các cù lao nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền… đang được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang hết sức khuyến khích thông qua những giải pháp cụ thể như: khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật canh tác, xây dựng và nhân rộng những mô hình trồng bắp hiệu quả để nông dân áp dụng rộng rãi… nhằm tạo ra cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con các vùng đất khó. Đáng chú ý, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ các huyện phía Đông đến năm 2025” để thích ứng biến đổi khí hậu mà trọng tâm là chuyển đổi cây trồng, tích cực mở rộng diện tích màu trên ruộng trong đó chủ lực là cây ngô tiết kiệm nước, chịu hạn và mang lại hiệu quả ưu việt hơn hẳn cây lúa. Trong khuôn khổ Đề án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang cũng đã xây dựng mô hình trình diễn “Luân canh cây ngô trên nền đất lúa tại thị xã Gò Công” nhằm nhân rộng, phổ cập những biện pháp kỹ thuật thâm canh cây ngô  giúp nông dân đạt năng suất, sản lượng cao, tạo nguồn cung hàng hóa chất lượng tham gia thị trường. Hiện nay, cây ngô đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mà tập trung nhiều nhất tại các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công vốn thiên nhiên khắt nghiệt, nguồn nước tưới tiêu trong mùa khô thường bị hạn chế: Chợ Gạo, Gò công Tây, Gò công Đông, thị xã Gò công…. Tại đây, nông dân đang trồng phổ biến nhiều giống ngô thương phẩm được thị trường ưa chuộng, đầu ra thuận lợi, dễ tiêu thụ: ngô nếp, ngô  Mỹ... Ngoài cung cấp trái, thân ngô  cũng được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi bò, dê tại địa phương nên mang thêm những nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm