Tiền Giang: Chuyên canh sầu riêng xuất khẩu trên vùng kiểm soát lũ cho hiệu quả cao

Thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN
Thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Thực hiện mục tiêu chuyển đồi cơ cấu sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, hiện nay, các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh Tiền Giang như: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và thị xã Cai Lậy... đã mở rộng diện tích vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu lên trên 19.000 ha. Trong năm 2022, nông dân đã thu hoạch đạt sản lượng gần 356.000 tấn quả, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác.

Theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, sầu riêng đang là cây trồng đặc sản, có lợi thế cạnh tranh, là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong số các cây trồng đặc sản của tỉnh Tiền Giang.

Với năng suất bình quân 20 – 25 tấn quả và giá sầu riêng vụ nghịch, đầu tháng giêng 2023 vừa qua, nông dân bán đạt mức cao kỷ lục từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, mỗi héc-ta đạt giá trị từ 2 - 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng từ 1 - 1,2 tỷ đồng.

Tiền Giang: Chuyên canh sầu riêng xuất khẩu trên vùng kiểm soát lũ cho hiệu quả cao ảnh 1Thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Ông Ngô Văn Sơn, canh tác 1 ha sầu riêng ở xã Cẩm Sơn cho biết, năm qua, ông thu trên 20 tấn quả, bán trừ chi phí còn lãi hơn 1,1 tỷ đồng. Từ một nông dân nhiều khó khăn, nhờ vào vườn sầu riêng, gia đình ông đã trở thành tỷ phú nông thôn.

Là cây trồng đặc sản cho thu nhập cao nên nông dân các địa bàn vùng kiểm soát lũ phía Tây, vùng Đồng Tháp Mười đang tranh thủ cơ hội giá tốt đầu tư cải tạo đất đai, chuyển đổi từ trồng lúa hoặc các cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu.

Do vậy, nếu trước đây, diện tích vùng chuyên canh sầu riêng chỉ tập trung ở các xã ven sông Tiền của huyện Cai Lậy thì hiện nay đã mở rộng sang hầu hết các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang như: thị xã Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước. Chỉ riêng khu vực các xã phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy trong năm vừa qua đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất canh tác sang trồng sầu riêng xuất khẩu.

Để phát triển bền vững cây sầu riêng, tăng thu nhập, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025 và Dự án xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang.

Qua đó, toàn vùng hình thành được 15 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu mới, thu hút gần 16.000 thành viên đang tích cực phát huy vai trò tập hợp nông dân, liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra cho nông sản hàng hóa, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động nông nghiệp địa bàn vùng kiểm soát lũ.

Theo ông Võ Văn Men, mạng lưới các hợp tác xã trong vùng chuyên canh đang phát huy vai trò kinh tế tập thể kiểu mới, tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao giá trị trái sầu riêng thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, áp dụng khoa học - công nghệ, gắn kết sản xuất và kinh doanh, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến sâu và giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng đưa ra các nhóm giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất; chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sầu riêng gắn với xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…

Đặc biệt, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng sầu riêng an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP, kỹ thuật ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, tưới phun sương tự động tiết kiệm nước…

Đồng thời, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu được đẩy mạnh, tháo gỡ điểm nghẽn về đầu ra cho vùng chuyên canh sầu riêng. Các ngành chức năng tỉnh tích cực kết nối cung cầu, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho trái sầu riêng thông qua các kênh phân phối lớn như: các siêu thị, trung tâm thương mại (BigC, Co.opmart, Bách Hóa Xanh…); hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên canh sầu riêng dự, tìm kiếm cơ hội làm ăn tại các Hội chợ kết nối cung - cầu hàng hóa; phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế.

Nắm bắt thời cơ khi trái sầu riêng được chấp nhận xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường có yêu cầu cao khác trên thế giới, toàn vùng đã được cấp 2 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích gần 100 ha. Trong năm 2023, tỉnh đang tiếp tục nộp hồ sơ, chờ thẩm định 21 hồ sơ với khoảng 1.100 ha, ước sản khoảng 30.000 tấn trái.

Tại xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy), địa phương khẩn trương xúc tiến làm hồ sơ cấp 7 mã số vùng trồng cho 779 ha sầu riêng chuyên canh. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Sơn Phạm Văn Nuôi cho biết, ông rất phấn khởi trước triển vọng cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo ông, đây là hướng đi tất yếu nếu muốn phát triển bền vững cây sầu riêng để làm giàu cho nông dân và đồi mới nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới thành công.

Tiền Giang phấn đấu đến cuối năm 2023, có ít nhất 50% diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm