Tiền Giang: Chủ động phòng, chống dông lốc, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân

Tiền Giang: Chủ động phòng, chống dông lốc, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, trong tháng 5 sẽ có mưa chuyển mùa, là thời kỳ chuyển từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam nên thường xảy ra các nhiễu động thời tiết nguy hiểm như: sấm sét, mưa dông kèm lốc, mưa đá, gió giật mạnh và gió mạnh trên biển… có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn.

Tiền Giang: Chủ động phòng, chống dông lốc, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân ảnh 1Vườn cây ăn trái và cánh đồng lúa ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) bị thiệt hại do mưa giông. Ảnh: baoapbac.vn

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 6 cơn lốc xoáy khiến một người bị thương nhẹ, làm 2 căn nhà bị sập, 228 căn nhà bị tốc mái và gần 15.000 cây ăn quả các loại bị ngã, đổ. Tổng thiệt hại ước tính trên 15,5 tỷ đồng. Các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng lốc xoáy đã huy động nhân lực, phương tiện hỗ trợ người dân dựng lại, sửa chữa nhà ở, sớm ổn định cuộc sống. Lực lượng dân quân các xã, thị trấn cùng các ngành hữu quan dọn dẹp cây cối, đảm bảo an toàn giao thông. Ngành Điện lực huy động nhân lực khôi phục lưới điện đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy, thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương chủ động triển khai giải pháp ứng phó; khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống hiệu quả, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, người dân ở những địa bàn có nguy cơ thường xuyên xảy ra thiên tai như: ven sông, ven biển, trong đồng xa, vùng Đồng Tháp Mười, vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh… ngay từ đầu mùa mưa cần chằng chống nhà cửa chắc chắn; kịp thời sơ tán người già, trẻ em đến những nơi an toàn khi thiên tai xảy ra. Các ngành hữu quan phối hợp chính quyền cơ sở và nhân dân chặt tỉa cành nhánh cây cao, phát quang cây xanh và bụi rậm, đảm bảo an toàn lưới điện… phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng phòng, tránh dông lốc, sét, ứng phó thiên tai bão lũ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn, hội thảo, hội nghị.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các địa phương, ngành hữu quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tăng cường kiểm tra các chủ phương tiện tàu thuyền hoạt động trên sông, biển về an toàn lao động, an toàn giao thông; chú trọng tổ chức hợp lý đội hình khai thác biển theo tổ, nhóm, đảm bảo cự ly, khoảng cách hợp lý giữa các tàu thuyền nhằm hỗ trợ nhau hiệu quả khi gặp tai nạn, sự cố bất ngờ. Toàn bộ thủy thủ, thuyền viên phải mặc áo phao và chuẩn bị đầy đủ phao cứu sinh trên thuyền khi hoạt động trên sông, biển; khi có mây dông cần nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh trú an toàn; thường xuyên kiểm tra hệ thống, thiết bị thông tin liên lạc, đảm bảo luôn hoạt động hiệu quả nhằm kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi gặp sự cố, tình huống nguy hiểm, bất lợi hoặc tai nạn xảy ra.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang lưu ý, trong trường hợp xảy ra thiên tai, sự cố, các địa phương, cấp, ngành, nhân dân cần khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp cần thiết; hỗ trợ gia đình, cá nhân bị thiệt hại khắc phục hậu quả cũng như thống kê, đánh giá thiệt hại và kịp thời đề xuất các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.



Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm