Tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ giúp giảm nhẹ nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ giúp giảm nhẹ nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài

Vaccine ngừa COVID-19 chỉ giúp giảm khoảng 15% nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài (Long COVID). Đây là kết quả dựa trên nghiên cứu đối với hơn 13 triệu người, do nhóm các nhà khoa học Mỹ tiến hành. Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 25/5.

Hội chứng COVID kéo dài - chỉ các triệu chứng kéo dài nhiều tuần và tháng sau khi bệnh nhân lần đầu dương tính với virus SARS-CoV-2 - là một chủ đề khó nghiên cứu, do đặc thù nhiều triệu chứng khiến hội chứng này khó được xác định. Thậm chí, việc đi đến kết luận về tỷ lệ người mắc hội chứng này cũng không dễ dàng. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng khoảng 30% những người từng mắc COVID-19 gặp phải hội chứng này. Tuy nhiên, tháng 11/2021, một nghiên cứu tiến hành đối với khoảng 4,5 triệu người được điều trị tại các bệnh viện của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) cho thấy tỷ lệ chung là 7% và con số này sẽ thấp hơn ở những trường hợp không phải nhập viện.

Một vấn đề khác mà các nhà khoa học quan tâm là tỷ lệ hội chứng này ở những người mắc COVID-19 đã được tiêm vaccine.

Chuyên gia về thận Ziyad Al-Aly và các đồng nghiệp đã phân tích hồ sơ bệnh án tại VA Saint Louis từ tháng 1 - tháng 12/2021, trong đó có 34.000 người đã tiêm vaccine và từng mắc COVID-19, 113.000 người chưa tiêm vaccine đã mắc COVID-19 và hơn 13 triệu người chưa mắc căn bệnh này. Kết quả cho thấy tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ giúp giảm khả năng mắc hội chứng COVID kéo dài khoảng 15%. Kết quả này trái ngược so với kết quả từ các nghiên cứu trước đó - có quy mô nhỏ hơn - với kết luận về tỷ lệ bảo vệ cao hơn nhiều. Trong khi đó, một nghiên cứu khác tại Anh - dựa trên khảo sát cá nhân đối với 1,2 triệu người- cho kết quả rằng vaccine ngừa COVID-19 giúp giảm 50% nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài.

Các tác giả của nghiên cứu mới nhất này đã so sánh các triệu chứng như "sương mù" não và mệt mỏi ở nhóm người chưa và đã tiêm vaccine đến 6 tháng sau khi họ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt trong các loại triệu chứng và độ nghiêm trọng giữa hai nhóm chưa và đã tiêm vaccine.

Theo ông Aly, đến nay chỉ riêng ở Mỹ đã ghi nhận 83 triệu ca mắc COVID-19, nên một tỷ lệ nhỏ của 83 triệu ca này bị COVID kéo dài cũng tương đương với con số lớn.

Với khả năng bảo vệ có giới hạn của vaccine, trong bối cảnh các biện pháp khác như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội không còn được áp đặt, nguy cơ mắc COVID-19 sẽ gia tăng, đặc biệt đe dọa đến những người bị suy giảm miễn dịch.

Các chuyên gia khác cho rằng nghiên cứu này vẫn còn một số hạn chế, như chưa phân loại dữ liệu theo các yếu tố chính, trong đó chưa cân nhắc hồ sơ y tế của những người tham gia. Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu về HIV, Steven Deeks tại Đại học California, San Francisco, nhận định rằng nghiên cứu không bao gồm dữ liệu về các trường hợp mắc COVID-19 trong thời kỳ lây nhiễm làn sóng biến thể Omicron.

Tuy nhiên, ông Deeks cho rằng quan trọng nhất, nghiên cứu này chỉ ra rằng giới khoa học cần mở rộng tìm hiểu về hội chứng COVID kéo dài, đồng thời gia tăng phát triển các liệu pháp chữa trị.

Hoàng Châu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm