Tiêm phòng triệt để cho gia súc để kiểm soát bệnh lở mồm long móng

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tại hội nghị tổng kết Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020; xây dựng dự thảo Chương trình giai đoạn 2021-2025 diễn ra chiều 3/9 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh và xác định Việt Nam đã chính thức bước sang giai đoạn 3 trong 5 giai đoạn của “Lộ trình kiểm soát bệnh lở mồm long móng theo hiệu quả tăng dần” theo cách tiếp cận của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO).

 Tiêm phòng triệt để cho gia súc để kiểm soát bệnh lở mồm long móng ảnh 1Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thách thức lớn nhất hiện nay là đàn gia súc gồm trâu bò và lợn của cả nước rất lớn. Việc phòng, chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm nói chung, lở mồm long móng nói riêng đòi hỏi phải có quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương. 

"Thực tế cho thấy không chỉ có hệ thống quản lý Nhà nước mà cần có sự vào cuộc của các thành phần kinh tế; trong đó, khoa học và công nghệ phải giữ vai trò làm nòng cốt và tiên phong. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Sản phẩm chăn nuôi hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn phải xuất khẩu.", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ ra.

Theo Cục Thú y, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, cả nước đã xảy ra 1.760 ổ dịch lở mồm long móng tại 1.461 xã, phường, thị trấn tại 337 huyện, thị xã, thành phố của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số gia súc mắc bệnh là 76.805 con, số gia súc bị chết và tiêu hủy là 36.428 con. So với giai đoạn 2011 - 2015, số ổ dịch giảm 12%, số gia súc mắc bệnh giảm 32%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các ổ dịch xảy ra chủ yếu do virus lở mồm long móng típ O gây ra, một số ổ dịch do vi rút típ A.

Trong giai đoạn vừa qua, dịch bệnh xảy ra trầm trọng nhất vào các năm 2018 và 2019, chủ yếu trên đàn lợn chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng. Bởi lợn thịt không phải là đối tượng phải tiêm phòng bắt buộc trong Chương trình giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, trên 1.200 cơ sở an toàn đối với bệnh lở mồm long móng đều được duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh; hằng năm lấy mẫu chứng minh không có mầm bệnh lưu hành, không có ổ dịch lở mồm long móng xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, với đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là chăn nuôi hộ gia đình, việc tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc gặp khó khăn, nhiều loài, loại đối tượng như lợn không được tiêm phòng hoặc chưa được tiêm phòng triệt để. Bệnh lở mồm long móng có thể điều trị khỏi về triệu chứng lâm sàng trên gia súc, nhưng mầm bệnh vẫn bài thải ra ngoài môi trường chăn nuôi và lưu hành ở đàn vật nuôi.

Để phòng chống dịch bệnh phát sinh và lây lan, ông Nguyễn Văn Long cho rằng, các địa phương cần tổ chức tiêm phòng triệt để cho toàn bộ đàn gia súc ở vùng có nguy cơ cao, kết hợp với các biện pháp tổng hợp khác để tăng hiệu quả của phòng chống dịch.

Trong phòng, chống dịch cần cách ly gia súc mắc bệnh, thực hiện nghiêm ngặt kiểm dịch vận chuyển gia súc ra vào ổ dịch; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi,... Đồng thời, tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện ổ dịch kịp thời, khi xuất hiện típ virus gây bệnh mới, tiêu huỷ ngay số gia súc mắc bệnh, tránh lây lan.

Về Dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của Chương trình là hướng đến kiểm soát hiệu quả bệnh lở mồm long móng trên địa bàn cả nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng virus lở mồm long móng ngoại lai; đến năm 2025, xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng cấp huyện hoặc vùng liên huyện tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh.

Góp ý cho dự thảo, ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang đề xuất, cùng với cơ chế hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh lở mồm long móng đối với các tỉnh miền núi cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho thú y cơ sở. Hiện nay, mỗi trạm thú y ở địa phương chỉ có khoảng 3 đến 4 cán bộ trong khi phải phụ trách địa bàn rất rộng. Bình quân mỗi cán bộ phải phụ trách từ 4 đến 5 xã, diện tích rộng đường đi lại khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến phòng, chống dịch.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến về những giải pháp kỹ thuật như: tiêm phòng vắc xin và giám sát bệnh lở mồm long móng; trong đó có giám sát lâm sàng và giám sát lưu hành của virus; đồng thời xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, kiểm soát việc vận chuyển gia súc…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, những ý kiến đóng góp vào Dự thảo sẽ được Cục Thú y xem xét tổng hợp và trình Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng chống dịch lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025 trong năm nay.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm