Tiêm phòng khẩn cấp phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức tiêm phòng khẩn phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Tiem phong khan cap phong benh viem da noi cuc tren trau, bo hinh anh 1Tại nhiều địa phương, trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục đang có xu hướng tăng. Ảnh : Quang Quyết - TTXVN

Để chủ động phòng chống và khống chế dịch viêm da nổi cục lây lan diện rộng, căn cứ Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các cấp căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, quyết định sử dụng vacxin Lumpyvac (được đánh giá sau tiêm phòng 28, 35 và 42 ngày đã có kháng thể virus viêm da nổi cục) để tiêm phòng khẩn cấp cho đàn trâu, bò.


Đối tượng tiêm phòng ưu tiên trâu, bò tại các địa phương đã và đang có dịch và các địa phương có nguy cơ cao, các tỉnh có phạm vi địa lí cách vùng dịch khoảng 100 km.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chủ động rà soát, thống kê số lượng trâu, bò thuộc diện tiêm phòng để xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí mua vacxin; thực hiện tiêm phòng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất và cơ quan thú y địa phương, đồng thời lấy mẫu đánh giá sau khi tiêm phòng.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp tổ chức nhập khẩu khẩn cấp vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục. Hiện nay có Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y Amavet nhập khẩu cung ứng vacxin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ và vacxin LumpyShield của Jordan; Công ty TNHH thú y Đông Phương nhập khẩu, cung ứng vacxin Mevac LSD từ Ai Cập để triển khai thí điểm tiêm phòng, chống dịch tại 8 tỉnh và một số trại bò sữa.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã tổ chức tiêm phòng được trên 27.000 con trâu, bò. Kết quả, số gia súc đã được tiêm phòng không mắc bệnh viêm da nổi cục. Đặc biệt, số trâu, bò được tiêm vacxin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ sau 28, 35, 42 ngày đã có kháng thể kháng virus viêm da nổi cục.

Riêng với số trâu, bò được tiêm vacxin LumpyShield và Mevac LSD hiện đã có kết sau tiêm 28 ngày, đang tiếp tục chờ kết quả sau 35 và 42 ngày để lấy mẫu, đánh giá hiệu quả. Bộ sẽ có chỉ đạo hướng dẫn sau khi có kết quả đánh giá sau tiêm phòng.

Từ tháng 10/2020 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 163 xã thuộc 65 huyện của 18 tỉnh, thành phố. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là trên 2.200 con; trong đó chết và tiêu hủy 267 con.

Hiện cả nước có 44 ổ dịch tại 18 huyện của 8 tỉnh là Nam Định, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị và Thanh Hóa.

Bích Hồng

Tin liên quan

Phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò

Từ ngày 25 – 30/01/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị tiến hành tiêm vaccine phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại hai xã đã ghi nhận bệnh này là Trung Nam, Vĩnh Tú và vùng có nguy cơ cao gồm hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa, cùng thuộc huyện Vĩnh Linh.


Thay đổi tập quán chăn nuôi, phòng chống đói rét cho trâu bò

Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, có thời điểm nhiệt độ xuống thấp 3 độ C, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không có trâu bò bị chết rét. Để có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành về việc phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò, việc thay đổi trong nhận thức và tập quán chăn nuôi của người dân đã góp phần quan trọng bảo vệ đàn vật nuôi trước các đợt rét đậm rét hại.


Tập trung ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Trong hai ngày 25 - 26/12, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang tổ chức tiêm thí điểm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại hai xã Niêm Sơn và Khâu Vai, thuộc huyện Mèo Vạc.



Đề xuất