Tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch Sóc Trăng

Tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch Sóc Trăng
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN

Giới thiệu khái quát về tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết: Sóc Trăng nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cuối nguồn sông Hậu, có 72 km bờ biển với 3 cửa sông lớn: Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh cùng nhiều hệ thống sông ngòi, các cù lao nối tiếp nhau dài hơn 50km. Các vườn cây ăn trái, bãi cát, bãi bồi, hệ thực vật rừng ngập mặn ven biển của tỉnh rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch miệt vườn và du lịch sông nước, đường biển. Sóc Trăng còn là vùng đất mang bản sắc văn hóa, lễ hội độc đáo của cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, tiêu biểu nhất là lễ hội Óc Om Bók - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia. 

Sóc Trăng cũng là địa phương được du khách biết đến là xứ sở của các ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo như: Chùa Mahatúp (chùa Dơi), chùa Khleang, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét, chùa Bốn Mặt; 8 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 32 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh với 2 loại hình đặc trưng là du lịch tâm linh, tín ngưỡng, khám khá kiến trúc nghệ thuật và du lịch về nguồn. Ẩm thực Sóc Trăng cũng là một trong những điều hấp dẫn du khách khi đến khám phá vùng đất này. 
 
Trưng bày sản phẩm du lịch của Sóc Trăng bên lề hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN
Trưng bày sản phẩm du lịch của Sóc Trăng bên lề hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN

Tuy nhiên, Sóc Trăng vẫn chỉ là điểm đến, chưa phải là điểm dừng chân của du khách; dịch vụ chưa thật sự hấp dẫn; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế… Bởi vậy, hiện tỉnh đang xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm như: Khu du lịch sinh thái Hồ Bể, Song Phụng, khu du lịch sinh thái vườn cò, xã Gia Hòa 1 (Mỹ Xuyên)... 

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc phát triển du lịch Sóc Trăng cần phải đảm bảo an ninh an toàn, môi trường tốt cho cộng đồng du khách; sản phẩm du lịch phải mới, lạ, xây dựng thêm khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng; bảo tồn di tích lịch sử, làng nghề, phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, xây dựng thành phố sáng tạo cho lớp trẻ hướng đến khởi nghiệp; quan trọng nhất vẫn là công tác quảng bá tiếp thị, tỉnh cần tăng cường, đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp. 

Ông Phan Đình Huê, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng cần có sự liên kết với các địa phương khác, có thể mở các tour du lịch kết nối Hà Nội-Cần Thơ-Cà Mau; Bến Tre-Trà Vinh-Sóc Trăng-Cần Thơ; Cần Thơ-Sóc Trăng-Côn Đảo… Cần tận dụng lợi thế để phát triển khi cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng với Trà Vinh hoàn thành, dự án Cảng nước sâu nếu được đầu tư. 

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng cho biết, thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các sản phẩm du lịch mới, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa cũng như chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ công chức và người dân về phát triển du lịch; kêu gọi nhà đầu tư chiến lược có uy tín…/ 
Trung Hiếu 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm