Tiềm năng phát triển cây ăn quả ở Kon Tum

Mô hình trồng xen canh cây ăn quả (cam) trong vườn cà phê của người dân xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Mô hình trồng xen canh cây ăn quả (cam) trong vườn cà phê của người dân xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Những năm gần đây, do giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su xuống thấp, nên nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã chủ động tìm hướng đi mới với các loại cây ăn quả như cam, mít, sầu riêng,… Cùng với trồng thuần, bà con cũng sử dụng phương pháp trồng xen canh với các loại cây công nghiệp, hoặc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, tạo ra giá trị kinh tế lớn từ các loại cây ăn quả, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Kon Tum.

Lợi ích kinh tế từ cây ăn quả

Gia đình chị Y Nga, thôn 2, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum có 2 sào đất chuyên canh cà phê từ nhiều năm nay. Thế nhưng, trước tình hình giá cả của loại nông sản này đi xuống, không ổn định, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, tự tìm tòi, nghiên cứu, chị quyết định đưa giống cam sành về trồng xen trên toàn bộ diện tích đất.

Là người đầu tiên trong thôn trồng xen cam sành với cà phê, nên mọi khâu chăm sóc, kỹ thuật vợ chồng chị đều tự mày mò, học hỏi. Năm 2019, vườn cam đã cho thu lứa đầu tiên, mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng thuần cà phê.

Tiềm năng phát triển cây ăn quả ở Kon Tum ảnh 1Vườn cam của người dân xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

“Năm ngoái thu bói mình được một tấn cam, thu về 25 triệu đồng. Trong khi đó, cà phê chỉ cho thu về 7 – 8 triệu đồng thôi. Thu cà phê như thế tính ra là lỗ, nhưng được cam bù qua bù lại nên vẫn có lãi. Việc trồng xen cà phê với cây ăn quả như thế này mình thấy khá ổn, bởi cà phê xuống thì có cam kéo kinh tế của nhà mình lên. Bây giờ trong thôn cũng có nhiều người đến hỏi để trồng theo”, chị Y Nga chia sẻ.

Cũng trồng cam sành, hộ ông Trần Văn Dũng, thôn 7, xã Ngọc Wang lại có hướng đi khác, khi vừa trồng xen vào vườn cà phê, vừa có diện tích trồng cam chuyên canh. Bén duyên với cây ăn quả từ năm 2014, đến năm 2019, gia đình ông đã thu được từ 600 – 700 triệu đồng từ cà phê và cam. Trừ hết chi phí, gia đình ông vẫn có lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.

“Tôi thấy nếu trồng một thứ thì thu nhập sẽ bị giới hạn, nên đã tiến hành trồng xen, mất cái này thì còn cái kia kéo lại. Cũng nhờ có nguồn thu nhập từ cam sành mà gia đình tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, không còn nợ ngân hàng. Ngoài ra, khi trồng cam sành trong vườn cà phê thì có rất nhiều điểm lợi, như phân tán được các loại sâu bệnh. Tuy lợi ích kinh tế cao, nhưng tôi cũng vẫn phải giữ lại cà phê, bởi cam sành đầu ra có hạn, trong khi cà phê thì đầu ra nhiều hơn”, ông Dũng phân tích.

Tiềm năng phát triển cây ăn quả ở Kon Tum ảnh 2Mô hình trồng xen canh cây sầu riêng trong vườn cà phê của người dân xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Bên cạnh các mô hình trồng xen hay trồng thuần cây ăn quả theo phương pháp truyền thống, nhiều doanh nghiệp, người dân của tỉnh Kon Tum đã tìm đến phương pháp trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Điển hình trong số đó là Nông trại Brosfarm (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) với sản phẩm dưa lưới được đơn vị sản xuất từ tháng 9/2019. Đầu tư hệ thống nhà màng công nghệ trên diện tích 5.000 m2, đơn vị này đã chủ động tạo ra các sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới GlobalGAP. Các sản phẩm dưa lưới của Nông trại Brosfarm được người tiêu dùng đón nhận, thậm chí không đủ để phục vụ cho các thị trường.

Anh Trần Anh Phương, thành viên Nông trại Brosfarm cho biết, hiện nay, hệ thống sản xuất của đơn vị vẫn đang trong quá trình hoàn thiện về quy trình sản xuất cũng như kỹ thuật, nên con số thu nhập 40 triệu đồng/sào/vụ hiện nay của nông trại chỉ ở mức tương đối. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, dưa lưới được xác định khá phù hợp với thời tiết ở Kon Tum. Cùng với thị trường tiêu thụ rộng lớn, Nông trại Brosfarm xác định, năm 2021 đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để trồng dưa lưới và các loại khác như ớt chuông, cà chua bi,… mang lại giá trị kinh tế cao.

Cần đảm bảo chất lượng và đầu ra bền vững

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có trên 4.100 ha cây ăn quả các loại như cam, bưởi, sầu riêng, mít thái, chuối,… mang lại giá trị kinh tế cao. Những năm vừa qua, do giá trị các loại cây công nghiệp xuống thấp nên nông dân đã chuyển đổi một diện tích không nhỏ sang trồng cây ăn quả. Trong những năm tới, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Kon Tum khả năng sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cho rằng, cần xác định lại vùng trồng cây ăn quả, phương thức trồng cũng như tạo mối liên kết bền vững giữa người nông dân và các thị trường tiêu thụ.

Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay huyện đang có khoảng 830 ha cây ăn quả, định hướng phát triển lên xấp xỉ 1.000 ha vào năm 2025, tập trung vào các loại cây như sầu riêng, bơ, xoài và cây có múi. 5 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp huyện đã vận động nhân dân xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả như tại Đăk Pxi, Đăk Hring hay Ngọc Wang. Thậm chí, nhiều khu vực hiện đã không còn trồng xen canh trong các vườn cây công nghiệp, mà đã chuyển sang trồng chuyên canh cây ăn quả.

Tiềm năng phát triển cây ăn quả ở Kon Tum ảnh 3Trang trại nông nghiệp công nghệ cao chuẩn Global Gap của Công ty TNHH SX&CB Nông Lâm Sản Nghĩa Phát (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) với cây trồng chủ lực là mít thái. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Tuy nhiên, để phát triển được cây ăn quả, ông Hưng cho rằng, người nông dân cần phải sản xuất đảm bảo theo các mô hình sạch như VietGAP, thậm chí xa hơn là GlobalGAP. Có như vậy, các sản phẩm trái cây mới có thể đưa vào các kênh phân phối, tiêu thụ chính thống như siêu thị, được người tiêu dùng đón nhận.

“UBND huyện có trung tâm dạy nghề, trong thời gian tới sẽ bố trí để hỗ trợ hướng dẫn nông dân trong việc sản xuất cây ăn quả theo quy trình đảm bảo. Đồng thời, người dân có thể đăng ký để tổ chức tập huấn, hướng dẫn chăm sóc, bảo quản và quản lý sản phẩm trong quá trình thu hoạch. Về mặt tiêu thụ, UBND huyện cũng đã có gửi văn bản tới các nhà vườn có nhu cầu đăng ký tiêu thụ để hướng dẫn người dân để hướng dẫn quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng để đưa vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh”, ông Ngô Hồng Hưng cho biết thêm.

Tiềm năng phát triển cây ăn quả ở Kon Tum ảnh 4

Mô hình trồng xen canh cây ăn quả (cam) trong vườn cà phê của người dân xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Trong khi đó, ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, những năm qua, bằng các chính sách hỗ trợ như chương trình khuyến nông, hàng năm sở đã chỉ đạo trung tâm khuyến nông từ tỉnh đến huyện hỗ trợ các diện tích cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, ngành nông nghiệp đã dùng các nguồn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để hỗ trợ, lồng ghép, tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cây trồng. Đặc biệt, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao để tạo ra giá trị sản xuất cho địa phương.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh và các địa phương phân vùng trồng theo từng loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các địa phương. Qua đó, khuyến cáo nông dân tổ chức thực hiện chuyển đổi theo định hướng chung của tỉnh.

“Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển cây ăn quả, hỗ trợ lãi suất tín dụng cũng như các điều kiện để thành lập hợp tác xã, hình thành các vùng sản xuất. Hợp tác xã sẽ là nơi gắn kết người dân và doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Kon Tum sẽ chuyển đổi được khoảng 10.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả”, ông Trần Văn Chương nhấn mạnh.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm