Tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của AstraZeneca tạo phản ứng miễn dịch mạnh

Hãng dược phẩm AstraZeneca ngày 13/1 đã công bố những dữ liệu nghiên cứu sơ bộ về loại vaccine ngừa COVID-19 mà hãng này phát triển - có tên gọi chính thức là vaccine Vaxzevria. Kết quả cho thấy khi tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của AstraZeneca có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn trước biến thể Omicron và những biến thể khác của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả các biến thể Beta, Delta, Alpha và Gamma.

Tiem mui tang cuong bang vaccine cua AstraZeneca tao phan ung mien dich manh hinh anh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cho người dân tại Belo Horizonte, bang Minas Gerais, Brazil. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo hãng AstraZeneca, phản ứng gia tăng kháng thể được ghi nhận ở cả những trường hợp trước đó đã tiêm liều cơ bản bằng vaccine Vaxzevria hay vaccine bào chế theo công nghệ mRNA. Đây là lần đầu tiên AstraZeneca công bố kết quả thử nghiệm về hiệu quả của liều tiêm tăng cường sử dụng vaccine Vaxzevria.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hồi tháng trước cũng cho thấy một liệu trình 3 mũi tiêm vaccine Vaxzevria có hiệu quả chống lại biến thể Omicron. Kết quả thử nghiệm mới nhất của AstraZeneca đã bổ sung những bằng chứng cụ thể hơn cho thấy hiệu quả của mũi tiêm thứ ba vaccine Vaxzevria không lệ thuộc vào các loại vaccine đã từng được sử dụng trước đó trong phác đồ tiêm chủng cơ bản.

AstraZeneca cho biết sẽ gửi những dữ liệu này tới các cơ quan quản lý trên toàn cầu, nhằm thúc đẩy nhu cầu về liều tiêm tăng cường đối với vaccine Vaxzevria.

Ông Andrew Pollard - Giám đốc Tập đoàn vaccine Oxford, đối tác phát triển vaccine Vaxzevria cùng AstraZeneca - cho biết: "Những kết quả nghiên cứu quan trọng này cho thấy vaccine Vaxzevria khi sử dụng làm mũi tiêm tăng cường, dù liều cơ bản sử dụng vaccine công nghệ nào, cũng đều có thể tăng cường mạnh mẽ khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh COVID-19".

Thanh Phương

Tin liên quan

Người dân cần tiêm đầy đủ mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo sức khỏe

Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 4/1 đến 16 giờ ngày 5/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 17.017 ca mắc mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 16.997 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.168 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 12.299 ca trong cộng đồng). Trong đó, Hà Nội đứng đầu cả nước với 2.505 ca mắc mới.


Các nhà khoa học khuyến cáo không tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 quá sớm

Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, từ 6 tháng xuống gần nhất là 3 tháng, sau khi các dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron lây truyền nhanh hơn so với biến thể Delta và có thể “tấn công” cả những người đã tiêm phòng hoặc từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng việc tiêm mũi tăng cường quá sớm có thể ảnh hưởng đến mức độ bảo vệ của vaccine trong dài hạn.


Nghiên cứu tại Israel: Tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer có thể chống chọi với biến thể Omicron

Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Sheba (Israel) ngày 11/12 công một kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer có thể làm tăng đáng kể khả năng chống chọi với Omicron, tuy nhiên so với Delta, hiệu quả "phòng vệ" vaccine của Pfizer trước Omicron lại thấp hơn 4 lần.


Giới khoa học Anh đánh giá tiêm mũi tăng cường bằng vaccine mRNA đạt hiệu quả cao nhất

Vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA giúp thúc đẩy kháng thể mạnh mẽ nhất nếu được dùng làm liều tiêm bổ sung sau 10 đến 12 tuần kể từ khi hoàn thành mũi tiêm thứ 2. Đây là kết luận của một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh về khả năng thúc đẩy kháng thể của các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có. Mục đích của nghiên cứu này là xác định loại vaccine nào làm mũi tăng cường để đảm bảo đạt hiệu quả bảo vệ con người cao nhất trước sự tấn công của COVID-19.



Đề xuất