Thương mại điện tử - thêm đầu ra cho nông sản Việt

Các đại biểu cùng nhấn nút khởi động chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN
Các đại biểu cùng nhấn nút khởi động chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến, thương mại điện tử, thương mại không biên giới trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp đang là lối đi cho nông sản đặc sản của Việt Nam. Việc tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đã giúp các địa phương tiêu thụ nông sản của mình, đồng thời, giúp giữ được giá trị và gia tăng giá trị cho sản phẩm tiêu thụ.

Để quả nhãn lồng đi xa hơn


Tiếp nối thành công của việc xúc tiến thương mại trái vải thiều Bắc Giang, một hội nghị quốc tế quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Hưng Yên được diễn ra sáng 15/7/2021 để kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, xúc tiến tiêu thụ, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho quả nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên.

Hội nghị có sự tham dự của trên 60 điểm cầu của các cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Anh, Australia, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Israel, Malaysia, Myanmar, Lào, Nhật Bản, Pháp, Singapore và Trung Quốc; 12 điểm cầu của 10 cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; 14 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước cùng hàng trăm điểm cầu liên kết khác trong và ngoài nước của các doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài nước tham gia.

Gần một tháng qua, với vai trò cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các đơn vị liên quan huy động sự vào cuộc của hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức kinh tế-thương mại nước ngoài mời các nhà nhập khẩu trái cây từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia giao dịch trực tuyến với các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu nhãn Hưng Yên. Bộ Công Thương cũng mời các hệ thống phân phối trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử tham gia phân phối nhãn và nông sản Hưng Yên.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, việc tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử là một kênh tiêu thụ, phân phối sản phẩm nhãn hiện đại để quảng bá tốt hơn hình ảnh quả nhãn của Hưng Yên đi sâu đi xa hơn tới thị trường trong nước, thậm chí là thị trường quốc tế.

Thương mại điện tử - thêm đầu ra cho nông sản Việt ảnh 1 Các đại biểu cùng nhấn nút khởi động chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, ngoài bạn hàng lớn là Trung Quốc, tỉnh cũng đã xúc tiến có các đơn hàng lớn với Anh, Bỉ, Australia và Pháp. Trong đó, thị trường Trung Quốc được kết nối tại 4 điểm giao thương là Vân Nam, Nam Ninh, Bằng Tường, Quảng Tây.

Với thị trường Mỹ, ông Bùi Huy Sơn Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khẳng định Hội nghị không chỉ thúc đẩy xuất khẩu nhãn Hưng Yên trong năm 2021 mà còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuất khẩu nhiều loại nông sản khác và trong những năm tiếp theo.

Trong khi đó, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định Lạng Sơn sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhãn và các nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, có rất nhiều sàn thương mại điện tử tham gia vào quá trình tiêu thụ sản phẩm, có thể kể đến như Postmart, Shopee, Sendo, Voso... Đây hứa hẹn là kênh phân phối hiệu quả, an toàn, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, diện tích nhãn lồng của Hưng Yên đạt khoảng 4.800 ha, trong đó, Nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1.300 ha. Năm 2021, sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15-20%. Ngoài ra, diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 40.000-45.000 tấn...

Thêm đầu ra cho nông sản Việt

Theo ông Vũ Bá Phú, từ quả vải của tỉnh Hải Dương cũng như tỉnh Hưng Yên đối với quả nhãn có thể rút ra được một số kinh nghiệm: Thứ nhất, để xuất khẩu được những sản phẩm quả nhãn cũng như là các trái cây đặc sản của Việt Nam đi vào các thị trường khó tính thì các địa phương cần phải phân loại sản phẩm của mình. Tức là phải quy hoạch vùng trồng, vùng trồng nào thì xuất đi châu Âu, vùng trồng nào xuất đi Nhật, vùng trồng nào thì tiêu thụ ở thị trường trong nước… và theo đó thì có truy xuất nguồn gốc cũng như những chứng nhận xuất xứ để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU. Thứ hai, là công tác quảng bá và truyền thông, từ hội nghị quả vải của Hải Dương cũng như của Bắc Giang cho thấy công tác quảng bá, truyền thông về các sản phẩm trái cây rất là quan trọng, giúp người tiêu dùng biết được những cây trái cây đặc sản của Việt Nam.

Bên cạnh đó thì kênh phân phối hiện đại đó là thương mại điện tử cũng góp phần quan trọng. Chính vì vậy, trong tương lai việc phối hợp, kết hợp tiêu thụ nông sản trái cây trên các sàn thương mại điện tử cũng sẽ là một kênh rất hiệu quả đối với thị trường nông sản.

Thương mại điện tử dần trở thành giải pháp kinh doanh bền vững cho nông dân, là cầu nối đưa nông sản đến tay người tiêu dùng.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nông sản nhiều nơi bị ùn ứ. Việc kêu gọi người dân cả nước tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch như Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... chỉ là giải pháp ngắn hạn với mong muốn giảm bớt tổn thất cho người dân chứ chưa triệt để.

Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, đưa nông sản Việt lên các sàn thương mại điện tử. Mở đầu là chương trình thí điểm đầu tiên với vải thiều từ tháng 3. Các sàn thương mại điện tử Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Cục xúc tiến Thương mại cùng các đơn vị phân phối nông sản, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ có thêm đầu ra cho nông sản.

Vải thiều năm nay được người tiêu dùng tại các thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức và một số nước EU, khu vực Trung Đông và tại Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á đánh giá cao về chất lượng, được đón nhận. Giá bán vải thiều xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động 30.000 - 55.000 đồng/kg, tại một số thị trường nước ngoài như Nhật Bản, EU có giá bán rất cao, khoảng 350.000-450.000 đồng/kg và tiêu thụ thuận lợi.

Anh Anh (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm