Thương hiệu vùng- hướng đi bền vững cho nông sản Tây Nguyên

Thương hiệu vùng- hướng đi bền vững cho nông sản Tây Nguyên

Thách thức từ thực tế

Quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, ngoài việc là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do AFTA, FTA, đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP)… đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nông nghiệp Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng, nhất là cơ hội để thay đổi cơ cấu sản xuất, phát huy lợi thế của ngành hàng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nguời nông dân… Tuy nhiên, khi các hiệp định trên đi vào thực tiễn cũng đặt ra không ít thách thức khi chính sách ưu đãi của doanh nghiệp (DN) Việt bị hạn chế, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng tại Việt Nam làm gia tăng cạnh tranh và áp lực tới hoạt động sản xuất của các nông hộ và DN, trong đó, các tiêu chí về chất lượng, nguồn gốc, thương hiệu và sở hữu trí tuệ là những vấn đề quan trọng quyết định đến sự sống còn của ngành hàng mà đến nay nông sản Việt Nam vẫn còn yếu.
 

Cán bộ Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Krông Pắc.
Cán bộ Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Krông Pắc.


Trên thực tế, nhiều sản phẩm nông sản mang tầm quốc tế của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn ở dạng nguyên liệu đầu vào nên giá trị mang lại rất thấp. Điển hình là sản lượng gạo, hồ tiêu và cà phê của ta thuộc top đầu của thế giới nhưng đến nay vẫn ì ạch chạy theo thị trường, thường xuyên bị đối tác ép cấp, ép giá… Trong khi các đối tác nước ngoài chỉ giữ vai trò trung gian thu mua nông sản Việt Nam sau đó chế biến sâu đã gia tăng giá trị lên gấp 2 – 3 lần so với giá trị nguyên liệu nhập khẩu từ Việt Nam. Trong niên vụ 2013 – 2014, tỷ lệ cà phê xuất khẩu chiếm 83,13% sản lượng cà phê cả nước, nhưng trong đó cà phê chế biến sâu chỉ chiếm 3,55%. Niên vụ 2014 – 2015, tỷ lệ cà phê xuất khẩu tăng 2,37 % (so với niên vụ trước đó) nhưng tỷ trọng cà phê chế biến chỉ tăng 0,11%. Tương tự, sản lượng hồ tiêu cả nước năm 2014 đạt 122.000 tấn, trong đó 94% dành cho xuất khẩu nhưng tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt 12%. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch tập đoàn An Thái chia sẻ, một số lô hàng cà phê của DN Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài có chỉ dẫn địa lý, mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nhưng nó chỉ đến được nhà rang xay mà thôi. Còn trên các sản phẩm của các nhà rang xay thế giới không có thông tin về nguồn gốc cũng như thương hiệu cà phê Việt Nam, và đương nhiên người tiêu dùng cũng không biết họ đang sử dụng cà phê có nguồn gốc từ Việt Nam. Không những thế, việc xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô nên việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa không được các DN chú trọng và đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp không đáng có, điển hình như nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trong suốt một thời gian dài chúng ta “quên” xây dựng để nâng tầm thương hiệu để dẫn đến tranh chấp với một DN Trung Quốc và phải mất công sức, tiền bạc để mua lại thương hiệu của chính mình từ một nước chẳng có tiếng tăm gì về sản phẩm cà phê (!) 

Những giải pháp hiệu quả

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các nhà sản xuất nhỏ (nông dân, các cơ sở, DN) phải cạnh tranh với các sản phẩm của DN lớn hoặc sản phẩm sản xuất công nghiệp, sản phẩm nhập khẩu… nếu tự hành động, bản thân các nhà sản xuất nhỏ sẽ khó phát triển thị trường, khẳng định vị thế và tạo danh tiếng cho các nông sản đặc trưng của mình. Do đó, bảo hộ tên của các sản phẩm thông qua các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận… nhằm khai thác sự nổi bật riêng biệt từ vùng sản xuất là một cách làm tốt đã và đang được các nước trên thế giới áp dụng. Dựa trên những lợi thế về sản xuất, nhiều thương hiệu của Việt Nam đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường và mở mang sự quảng bá ra nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, Cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, tiêu Chư Sê (Gia Lai)… Với đặc trưng của vùng Tây Nguyên chất chứa nét văn hóa độc đáo, riêng biệt thì việc xây dựng thương hiệu vùng là một lợi thế lớn cho sản phẩm nông sản, do đó, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bao gồm cả định hướng, chính sách và sự nỗ lực của các tác nhân trong ngành hàng và các cơ quan quản lý của từng địa phương.

Đóng gói, vận chuyển cà phê tại kho của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.
Đóng gói, vận chuyển cà phê tại kho của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.


Theo ông Đào Đức Huấn, chuyên gia về chỉ dẫn địa lý nông sản thì việc xây dựng thương hiệu nông sản Tây Nguyên cần phải bắt đầu từ thể chế điều phối liên kết vùng. Theo đó, cần xây dựng quy hoạch và quy chế quản lý thực hiện quy hoạch nông nghiệp vùng để tạo sự thống nhất về sản xuất, chế biến, tránh tình trạng địa phương nào cũng hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút công nghiệp chế biến làm xé nhỏ thị trường, không tạo được sự đồng nhất trong nguồn nguyên liệu. Mặt khác, cũng cần phải tăng cường sự kết nối về chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về đầu tư thu hút DN, phát triển sản xuất trong nông nghiệp. Để làm được điều đó, cần phải hình thành các hội đồng điều phối ngành hàng vùng Tây Nguyên, đây là đầu mối xây dựng các quy hoạch, định hướng phát triển chuỗi giá trị của vùng, đồng thời là cơ quan giám sát quá trình thực hiện các định hướng chính sách chung của vùng. Hội đồng cũng là đơn vị có vai trò phản biện các chính sách của các tỉnh nhằm tạo sự thống nhất giữa các địa phương trong chuỗi giá trị.

Xác định cà phê, cao su, hồ tiêu là sản phẩm chủ lực, bên cạnh xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định, thời gian gần đây, tỉnh ta đã chú trọng phát triển, nâng cao chuỗi giá trị để phát triển thương hiệu của mình cụ thể là thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được lấy lại từ nước ngoài, nhãn hiệu hồ tiêu Cư Kuin cũng đang được xúc tiến xây dựng… là một trong những bước tiến lớn của ngành nông sản Đắk Lắk.

Báo Đắk Lắk Điện tử

Có thể bạn quan tâm