Thực hiện Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15: Miễn giảm thuế - tạo đà cho kinh tế phát triển

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp trong đó có miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 với tổng giá trị gói hỗ trợ ước tính gần 20 nghìn tỷ đồng. Đây là một tin vui, Nghị quyết đã tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong giai đoạn mà dịch bệnh còn phức tạp.

Thuc hien Nghi quyet 406/NQ-UBTVQH15: Mien giam thue - tao da cho kinh te phat trien hinh anh 1 Hiện đã có gần 90% doanh nghiệp tại Bình Dương phục hồi lại sản xuất với hơn 500.000 lao động trở lại nhà máy làm việc. Ảnh: Chí Tưởng -TTXVN

Ông Hoàng Văn Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Phú (ở Long Biên, Hà Nội; chuyên kinh doanh vận tải và logistics) chia sẻ, ông rất mừng khi Nghị quyết 406 của Quốc hội ra đời, đã kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp lúc khó khăn. Ông Hoàng Văn Phú cho hay, với mức hỗ trợ giảm 30% thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp của ông có thể giảm được hơn 300 triệu đồng.

Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Phú cho biết thêm, tình hình dịch bệnh đã được khống chế, các tỉnh, thành phố đã cho phương tiện đi- đến. Hiện nay, các đầu xe của doanh nghiệp đang vận hành tối đa để bù đắp doanh số những ngày nằm “đắp chiếu” trước đó. “Bây giờ, chúng tôi mong muốn được hướng dẫn làm các thủ tục miễn, giảm một cách nhanh chóng, để dòng tiền chảy vào kinh doanh, phát huy tác dụng của Nghị quyết của Quốc hội”, ông Hoàng Văn Phú mong mỏi.

Tương tự, chị Trần Thu Hà, Kế toán của Công ty Cổ phần thương mại Du lịch Minh Cường (ở Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp chuyên kinh doanh du lịch và ăn uống, doanh thu năm 2020 đạt khoảng 19 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay, doanh thu của doanh nghiệp mới đạt 12 tỷ đồng. Theo Nghị quyết trên, ước tính, doanh nghiệp sẽ được miễn, giảm khoảng 200 triệu đồng tiền thuế.

Là một công chức trong một cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, anh Nguyễn Trung Quân phân tích, gói hỗ trợ này không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp, mà còn tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Vì gói này có cả phần miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và IV/2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021. “Điều này sẽ làm cho giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm, giúp người tiêu dùng giảm một phần áp lực về tài chính, đồng thời khuyến khích người dân mua sắm nhiều hơn, kích thích sản xuất phát triển, tạo việc làm cho xã hội. Tôi thấy, gói hỗ trợ này có nhiều ưu việt”.

Nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu chính sách, chị Đỗ Thu Phương, giảng viên ngành Kinh tế - Luật thuộc Học viện Tài chính cho rằng, gói hỗ trợ này về cơ bản đã cho thấy Nhà nước rất quan tâm đến chủ thể kinh doanh và đang cùng với chủ thể kinh doanh vượt qua các khó khăn. Giải pháp mà Nghị quyết đưa ra đã và đang đi đúng vào đối tượng cần và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Phân tích sâu hơn, chị Phương đánh giá cao quy định “miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020”. Quy định này có thể áp dụng ngay và không phải chờ đến khi quyết toán năm 2021. Điều này rất kịp thời đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Ngày 19/10/2021, Quốc hội đã quyết nghị, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.

Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021. Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.

Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ: Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch. Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. Hàng hóa, dịch vụ không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.

Mạnh Khánh

Tin liên quan

Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.


Hỗ trợ nhanh nhất, thuận lợi nhất cho đối tượng thụ hưởng gói chính sách từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Nghị quyết 116 tiếp tục là trợ lực giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của đại dịch COVID-19.


Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc...


Dịch COVID-19: Đề xuất chính sách hỗ trợ bổ sung cho sản xuất nông nghiệp

Trước những diễn biến mới của dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng nông sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số chính sách và giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn để tổng hợp và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành.



Đề xuất