Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên còn chậm

Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên còn chậm

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là chương trình) được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm ưu tiên tập trung đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

Tại tỉnh Phú Yên, tiến độ giải ngân vốn thực hiện chương trình này theo kế hoạch năm 2022 rất thấp, phải xin chuyển nguồn sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện.

Trên cơ sở Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành Nghị quyết số 31/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình là hơn 323,1 tỷ đồng.

Năm 2022, dự kiến việc giải ngân kinh phí sự nghiệp ở các sở, ban, ngành tỉnh với số tiền hơn 3 tỷ đồng, đạt khoảng 82,64% kế hoạch giao; phần vốn còn lại xin chuyển nguồn sang năm 2023. Đối với các địa phương cấp huyện, vốn đầu tư phát triển hơn 62,4 tỷ đồng và kinh phí sự nghiệp hơn 39,6 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ hoàn thành giải ngân theo kế hoạch năm 2022 sẽ rất thấp.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Phú Yên lý giải về việc chậm giải ngân vốn là do: chương trình được thực hiện trong 5 năm nhưng đã mất gần 2 năm xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách. Một số bộ, ngành chưa hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm cho vận hành chương trình. Bên cạnh đó, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương chậm, gây áp lực lớn cho việc chỉ đạo điều hành trong những tháng cuối năm.

Qua công tác giám sát, Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên kiến nghị: Chính phủ, Thủ tướng Chính chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm có quy định định mức hỗ trợ chính sách đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo quy định đối với Dự án 1; Phê duyệt danh sách các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ…

Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nguồn kinh phí thuộc ngân sách Trung ương thực hiện chương trình năm 2022 sang năm 2023, vì thời gian thực hiện cuối năm 2022 còn rất ít, khó giải ngân kịp nguồn vốn...

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Phú Yên có 23 xã, trong đó có 12 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 10 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và 70 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc. Vùng miền núi tỉnh Phú Yên là địa bàn cư trú lâu đời của 3 dân tộc chính Ê đê, Chăm, Ba Na. Đến nay, cộng đồng các dân tộc ở Phú Yên phát triển đa dạng và phong phú với 32 dân tộc thiểu số, dân số 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh.

Xuân Triệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm