Thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững ở Gia Lai

Thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững ở Gia Lai

Theo thống kê, đầu năm 2014, số hộ nghèo của Gia Lai còn 53.389 hộ, chiếm tỷ lệ 17,23%; trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 44.269 hộ, đến cuối năm 2014, số hộ nghèo trong toàn tỉnh  giảm xuongs còn 44.164 hộ, chiếm tỷ lệ là 13,96%; trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 37.407 hộ.

Thực hiện chương trình giảm nghèo, nhiều chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo được triển khai sâu rộng như đã cấp 138.183 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 320.263 thẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách tín dụng dành cho đối tượng này cũng được triển khai đồng bộ. Năm 2014, doanh số cho vay hộ nghèo đạt 348,537 tỷ đồng với 18.250 hộ vay, dư nợ 1.004 tỷ đồng với 62.890 hộ dư nợ. Cho vay giải quyết việc làm đạt doanh số 22,618 tỷ đồng với 1.296 hộ được vay; dư nợ 75,303 tỷ đồng với 4.568 hộ dư nợ. Nhờ có những giải pháp phù hợp mà tỷ lệ hộ nghèo ở Gia Lai giảm nhanh qua từng năm. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,56% cuối năm 2010 xuống còn 13,96% vào cuối năm 2014 và kế hoạch giảm còn dưới 11,67% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 3-4%.

Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện kinh tế-xã hội, địa lý ở địa bàn có hộ nghèo nhất còn khó khăn, đồng bào còn chậm thay đổi tập quán canh tác, chưa áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả còn hạn chế. Một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng trông chờ vào nhà nước...Vì vậy, để chương trình giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra, công tác giảm nghèo phải đổi mới tư duy và cách làm. Theo đó, đối với hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, chính quyền các địa phương, trên cơ sở quỹ đất của mình có giải pháp hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng. Nếu không còn quỹ đất thì hỗ trợ chuyển đổi sang hình thức: chăn nuôi, đào tạo nghề, mua sắm nông cụ, máy móc. Đối với hộ nghèo do thiếu vốn, sẽ tăng cường tuyên truyền về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo để họ mạnh dạn vay. Tập trung hướng dẫn công tác khuyến nông-khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật cho người nghèo, giúp họ phát triển sản xuất có định hướng và tiêu thụ nông sản, hàng hóa….

Đối với hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình 167 giai đoạn II đảm bảo đúng đối tượng, công khai dân chủ, ưu tiên hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo đơn thân, hoàn cảnh khó khăn, chủ hộ là nữ. Ngoài khoản cho vay với lãi suất thấp của Nhà nước, tỉnh cần lồng ghép với “Quỹ vì người nghèo” để hỗ trợ thêm tối thiểu 10 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (ưu tiên chủ hộ nghèo nữ dân tộc thiểu số đơn thân nuôi con nhỏ, đông con). Tích cực triển khai và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Phân loại đối tượng hộ nghèo trong đồng bào để có giải pháp cụ thể. Đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt, nước sinh hoạt, chợ, thiết bị trường học… đến tận thôn, làng vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Báo Gia Lai điện tử

Có thể bạn quan tâm