Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp tại Tây Nguyên

Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp tại Tây Nguyên

Ngày 26/11, Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia dưới hình thức trực tuyến qua nền tảng Google Meet với chủ đề: Phân tán và tích tụ ruộng đất tại Tây Nguyên.

Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp tại Tây Nguyên ảnh 1 Những ruộng lúa tại huyện Chư Păh (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, cho biết: Xuất phát điểm ở Tây Nguyên phổ biến phương thức canh tác nương rẫy cổ truyền cùng với nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, đất đai phân tán, năng suất thấp, khó tạo dựng được các chuỗi giá trị cho sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Hơn nữa, trong một giai đoạn dài, hình thức sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp có nguồn gốc nông, lâm trường cũng để lại nhiều vấn đề, cản trở quá trình phát triển bền vững Tây Nguyên. Vì vậy, việc thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hình thành và phát triển một nền nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao là yêu cầu khách quan, tất yếu đối với Tây Nguyên.

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề về phân tán và tích tụ ruộng đất; kinh nghiệm quốc tế về quản lý, sử dụng đất đai và khả năng vận dụng trong phát triển bền vững ở các tỉnh Tây Nguyên; thực trạng và các yếu tố tác động đến sự phân tán và tích tụ ruộng đất tại Tây Nguyên; các mâu thuẫn cũng như dự báo xu thế phân tán và tích tụ ruộng đất tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay và trong những năm tiếp theo...

Phân tích thực trạng phân tán và tích tụ ruộng đất tại các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng, Hội Khoa học Đất Việt Nam, nêu rõ: Tây Nguyên là vùng địa lý sinh thái núi - cao nguyên ở dãy Trường Sơn Nam gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tổng diện tích tự nhiên hơn 5.450 nghìn ha; trong đó, nhóm đất nông nghiệp hơn 4.922 nghìn ha chiếm 90,31%, nhóm đất phi nông nghiệp hơn 343 nghìn ha chiếm 6,30%, nhóm đất chưa sử dụng hơn 184 nghìn ha chiếm 3,39%. Tây Nguyên đã hình thành được những ngành hàng nông nghiệp quy mô lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su do liên kết giữa hộ nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên tiềm năng đất đai chưa được phát huy do đất đai phân tán; hộ nông dân có nguồn lực sản xuất còn thấp lại chiếm giữ phần lớn đất sản xuất nông nghiệp, trong khi các hợp tác xã, doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp có khả năng đầu tư và nhu cầu mở rộng sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất. Các chương trình lâm nghiệp, Ban quản lý rừng quản lý một số lượng lớn diện tích đất lâm nghiệp nhưng sử dụng không hiệu quả, trong khi người dân địa phương thiếu đất sản xuất, dẫn đến tranh chấp đất đai.

Dưới góc nhìn từ thực trạng sử dụng đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình và cộng đồng tại huyện Krông Bông và huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, Tiến sỹ Cao Thị Lý (Trường Đại học Tây Nguyên) chia sẻ, sau 15 năm, kể từ thời điểm giao đất giao rừng, diện tích đất lâm nghiệp có rừng đã được giao cho nhóm hộ và cộng đồng ở huyện Krông Bông giảm 42,1% (từ 77,8% giảm còn 35,7% so với tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao). Diện tích đất lâm nghiệp không có rừng tăng từ 22,2% lên 64,3%. Trong quá trình giao đất giao rừng, quản lý, bảo vệ rừng, mâu thuẫn trong việc sử dụng đất lâm nghiệp đã xảy ra giữa các hộ gia đình trong nhóm hộ, cộng đồng nhận rừng và người dân ở bên ngoài, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số nhập cư, các hộ người Kinh… rất khó giải quyết. Trồng rừng và nông lâm kết hợp là các nhóm giải pháp kỹ thuật đã được đề xuất để phục hồi cảnh quan rừng gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng, nhằm giảm nhẹ mâu thuẫn trong sử dụng đất lâm nghiệp xâm canh, lấn chiếm. Trong đó, việc tập trung đất lâm nghiệp, liên kết, hợp tác trong sản xuất có liên quan đến tổ chức thực hiện giải pháp kỹ thuật trồng rừng; phân tán, tập trung đất lâm nghiệp, hợp tác, liên kết trong sản xuất có liên quan đến tổ chức triển khai giải pháp kỹ thuật về nông lâm kết hợp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi những quan điểm, định hướng về việc phân tán và tích tụ ruộng đất tại các địa phương vùng Tây Nguyên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, từ đó đề ra các giải pháp giải quyết mâu thuẫn và thúc đẩy sự tích tụ ruộng đất tại các địa phương vùng Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.

Lý Thanh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm