Thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh ở Việt Nam (Bài 2)

Thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh ở Việt Nam (Bài 2)
Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều nhà máy điện năng lượng mặt trời phía Nam đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia, cung cấp nguồn năng lượng xanh - sạch  phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.

Bài 2: Điện mặt trời hòa mạng lưới điện quốc gia
Hệ thống pin năng lượng mặt trời của Nhà máy điện TTC Tây Ninh. Ảnh: TTC

Hệ thống pin năng lượng mặt trời của Nhà máy điện TTC Tây Ninh. Ảnh: TTC


Liên doanh thu hút dòng vốn ngoại

Ghi nhận tại các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam, từ giữa tháng 6/2019 vừa qua, Tập đoàn TTC và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) đã chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy năng lượng điện mặt trời TTC số 01 và TTC số 02 tại Khu Công nghiệp Thành Thành Công thuộc ấp An Hội (xã An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh).

Nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra, Tập đoàn TTC và Tập đoàn Gulf đã hợp tác, đồng hành cùng các đơn vị nhà thầu kinh nghiệm, có thương hiệu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

Đại diện Tập đoàn Gulf cho biết, với vai trò đồng đầu tư, Tập đoàn Gulf đảm nhiệm giám sát địa điểm kỹ thuật và quản lý dự án năng lượng mặt trời. Tập đoàn này muốn duy trì sự tăng trưởng liên tục tại thị trường Việt Nam, vì đây là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Đặc biệt, nhiều dự báo cho thấy nhu cầu năng lượng sẽ tăng với tốc độ cao trong thời gian tới.

Do vậy, đội ngũ nhân viên của Tập đoàn Gulf được luân chuyển từ trụ sở tại Thái Lan để làm việc toàn thời gian tại Việt Nam, để đảm bảo tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng trong giai đoạn xây dựng và vận hành.

Tương tự, trong tháng 6/2019, Liên doanh giữa Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) và Quỹ Vietnam-Oman (VOI) đã khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 1 tại xã Thạnh An (huyện Thanh Hóa, tỉnh Long An).

Đây nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên được chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Long An với qui mô 123.000 tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt theo công nghệ và thiết bị hiện đại, mang hiệu suất cao.

Theo đó, nhà máy sẽ phát điện đạt sản lượng 57 triệu kWh/năm, tương đương mức tiêu thụ điện hàng năm của 22.000 hộ dân tại Việt Nam, ước tính giảm phát thải CO2 khoảng 16.000 tấn/năm.
Ngày 16/6, tại xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận), Công ty cổ phần đầu tư điện Phước Hữu tổ chức lễ khánh thành Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu - Điện lực 1 với công suất lắp đặt hơn 30MWp. Sau 9 tháng thi công, đến tháng 4/2019, nhà máy đã hòa lưới điện lần đầu và đến ngày 9/5 đã chốt chỉ số công tơ đưa vào vận hành thương mại với tổng sản lượng điện sản xuất và cung ứng dự kiến lên đến 47.639MWh/năm.Trong ảnh: Trạm biến áp được nhà đầu tư lắp đặt chuyển tải hòa dòng điện vào lưới điện quốc gia. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Ngày 16/6, tại xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận), Công ty cổ phần đầu tư điện Phước Hữu tổ chức lễ khánh thành Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu - Điện lực 1 với công suất lắp đặt hơn 30MWp. Sau 9 tháng thi công, đến tháng 4/2019, nhà máy đã hòa lưới điện lần đầu và đến ngày 9/5 đã chốt chỉ số công tơ đưa vào vận hành thương mại với tổng sản lượng điện sản xuất và cung ứng dự kiến lên đến 47.639MWh/năm.Trong ảnh: Trạm biến áp được nhà đầu tư lắp đặt chuyển tải hòa dòng điện vào lưới điện quốc gia. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo ông Abdulmalik-Abdullah Zahir Al Hinal, Cố vấn Hoàng gia và Bộ Tài chính của Vương Quốc Oman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Quỹ đầu tư Việt Nam-Oman (Liên doanh giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Oman), Việt Nam là một trong những nền kinh tế được dự báo sẽ đạt tăng trưởng cao trong những năm tới. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đang đưa ra những sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và khuyến khích phát triển ngành năng lượng xanh - sạch.

Một số báo cáo chỉ ra rằng, muốn duy trì mức tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam, thì 1% tăng trưởng GDP cần đến 2,2% tăng trưởng về sản lượng điện. Bên cạnh đó, nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, đầu tư năng lượng tái tạo được xem là giải pháp cấp thiết đối với mọi quốc gia; trong đó có Việt Nam. Đây cũng là mô hình góp phần chuyển hướng phát triển nền kinh tế xanh - sạch, giảm năng lượng hóa thạch, gia tăng thị phần và đa dạng nguồn năng lượng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng 10%

Theo dự báo từ nay cho đến năm 2030, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, ngành điện cần đạt được tốc độ tăng trưởng 10%, tương đương 500 tỷ kWh điện thương phẩm. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030, so với 47.000 MW hiện nay.
Ngày 27/6, tại xã Xuân Thọ 1 (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), Công ty Cổ phần Quang điện Phú Khánh tổ chức lễ khánh thành hai Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2. Dự án được triển khai xây dựng từ tháng 1 năm 2019 trên diện tích 120ha, mỗi nhà máy có công suất 49,6 MW, sản lượng điện sản xuất đạt 76,2 triệu kWh/năm với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng. Trong ảnh: Hệ thống pin năng lượng mặt trời Nhà máy Điện Mặt trời Xuân Thọ 1 và 2. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Ngày 27/6, tại xã Xuân Thọ 1 (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), Công ty Cổ phần Quang điện Phú Khánh tổ chức lễ khánh thành hai Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2. Dự án được triển khai xây dựng từ tháng 1 năm 2019 trên diện tích 120ha, mỗi nhà máy có công suất 49,6 MW, sản lượng điện sản xuất đạt 76,2 triệu kWh/năm với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng. Trong ảnh: Hệ thống pin năng lượng mặt trời Nhà máy Điện Mặt trời Xuân Thọ 1 và 2. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay cho đến năm 2030. Cùng với đó, cần xây dựng các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối. Đây là bài toán khó đối với ngành điện trong nước, khi bối cảnh các nguồn tài nguyên than đá, dầu khí, thủy điện đã được khai thác triệt để suốt thời gian dài.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng điện tái tạo, nhất là năng lượng điện mặt trời và điện gió.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai nhiều cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư vào ngành năng lượng, ưu tiên phát triển nguồn cung cấp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tính đến đến cuối năm 2018, riêng năng lượng điện mặt trời đã có khoảng 10.000 MW được đăng ký.
Ngày 19/6, tại khu công nghiệp Thành Thành Công (ấp An Hội, An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh), Tập đoàn TTC và Tập đoàn năng lượng Gulf (Thái Lan) tổ chức khánh thành 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC số 1 và TTC số 2 với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 2.700 tỷ đồng. Hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời của 2 nhà máy có quy mô 118,8 MWp, mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia khoảng 184 triệu kWh điện, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng điện tương đương khoảng 150.000 hộ dân. Trong ảnh: Trạm biến áp của Nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC số 2. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN  
Ngày 19/6, tại khu công nghiệp Thành Thành Công (ấp An Hội, An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh), Tập đoàn TTC và Tập đoàn năng lượng Gulf (Thái Lan) tổ chức khánh thành 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC số 1 và TTC số 2 với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 2.700 tỷ đồng. Hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời của 2 nhà máy có quy mô 118,8 MWp, mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia khoảng 184 triệu kWh điện, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng điện tương đương khoảng 150.000 hộ dân. Trong ảnh: Trạm biến áp của Nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC số 2. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN  

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho hay, tính đến nay, Tập đoàn TTC đã khánh thành và đưa vào hoạt động 7 nhà máy điện năng lượng mặt trời trên cả nước. Trong kế hoạch đã được ký kết, Tập đoàn TTC sẽ cùng đối tác triển khai một dự án điện mặt trời khác (30 MW) tại tỉnh Bến Tre trong thời gian tới. Qua đó, Tập đoàn TTC kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mang lại nguồn điện phục vụ cho đời sống - sản xuất. Mặt khác, Tập đoàn TTC cũng tham gia tăng cường an ninh cung ứng điện, tiếp tục đóng góp vào chiến dịch năng lượng tái tạo đang được cộng đồng các quốc gia trên thế giới hưởng ứng mạnh mẽ.

Tương tự, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) cho rằng, việc phát triển nhà máy điện năng lượng mặt trời vừa góp phần bổ sung nguồn cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường, tài nguyên quốc gia. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai và vận hành nhà máy, nhất là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đưa những nhà máy điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động đúng tiến độ, đạt tiêu chuẩn chất lượng và mang lại lợi ích thiết thực.

Còn ở góc độ chính quyền địa phương, ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, hiện tại có 16 dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 1 là một trong ba dự án đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia trước 30/6/2019. Để hoàn thành và đưa vào khai thác dự án này, UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. Trong thời gian tới, bên cạnh đảm bảo vận hành an toàn và chất lượng nhà máy, kỳ vọng doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu, hợp tác đầu tư triển khai những dự án tiềm năng mới.
Công nhân điện lực huyện Hòa Thành (Tây Ninh) kiểm tra chất lượng các tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt tại nhà dân. Ảnh: Thanh Tân
Công nhân điện lực huyện Hòa Thành (Tây Ninh) kiểm tra chất lượng các tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt tại nhà dân. Ảnh: Thanh Tân

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, số liệu thống kê cho thấy nguồn điện tiêu thụ toàn miền Nam hiện chiếm hơn 30% sản lượng điện của cả nước. Do nguồn điện tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu, ngành điện phải tải từ miền Bắc, miền Trung vào qua đường dây 500Kv, khả năng thiếu hụt công suất rất cao. Vì vậy, việc đầu tư điện năng lượng mặt trời là một trong những chương trình rất có hiệu quả, nhằm giúp cho miền Nam có nguồn điện tại chỗ, giảm áp lực đầu tư công trong đầu tư nguồn điện cho khu vực miền Nam nói chung, địa bàn Tây Ninh nói riêng./.(Còn tiếp, đón xem Bài 3: Điểm sáng điện mặt trời Tây Ninh).
Mỹ Phương/TTXVN
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm