Thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình ở vùng biên giới Lai Châu

Thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình ở vùng biên giới Lai Châu
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông chăm sóc đàn bò. Ảnh: Nguồn baolaichau.vn
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông chăm sóc đàn bò.
 Ảnh: 
Nguồn baolaichau.vn

Huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) có 18 xã, thị trấn; trong đó, có 13 xã biên giới. Từ năm 2012 - 2016, kinh tế - xã hội huyện Phong Thổ có bước phát triển đột phá, an ninh chính trị ổn định. Qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, toàn huyện đã có 2.833 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương, rút ngắn khoảng cách kinh tế giữa các vùng và từng bước xây dựng nông thôn mới. 

Ở vùng cao xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu), người dân bản Sểnh Sảng B nhắc nhiều đến nghị lực làm giàu của gia đình ông Vàng A Páo, 39 tuổi, dân tộc Mông. Cùng giống như nhiều hộ khác, ông Páo luôn tích cực, chủ động thi đua sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất vùng biên giới. Hiện nay, mô hình kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông Páo có thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho từ 3 - 6 lao động địa phương với thu nhập 4 triệu đồng/tháng/người.

Theo kinh nghiệm làm kinh tế của ông Vàng A Páo, điều cốt lõi là phải biết tận dụng lợi thế địa phương về: đất đai, con giống, ngành nghề dịch vụ để đầu tư phát triển. Từ 1 con trâu và 2ha đất cha mẹ cho khi ở riêng, ông bắt tay vào khai hoang thêm 4 ha đất, mua thêm đất trồng thảo quả, cây Xa Mu. Năm 2013, gia đình có thu nhập từ thảo quả, tích lũy thêm vốn, cải tạo đất trồng trọt, sản xuất với tổng diện tích 5ha; mở rộng chuồng trại chăn nuôi dê, lợn thịt. Hiện nay, gia đình đã mua ô tô tải để vận chuyển hàng hóa, vật liệu; mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, mở xưởng đóng gạch phục vụ khu vực biên giới.

Anh Nông Văn Phẩm, dân tộc Thái ở bản Huổi Én, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) làm mô hình kinh tế trang trại gia đình, mang lại thu nhập cao. Anh Phẩm chia sẻ: “Trước đây trình độ nhận thức về phát triển sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế, thói quen canh tác còn lạc hậu, manh mún. Từ khi có phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã giúp tôi có thêm động lực, kinh nghiệm, nguồn vốn để từng bước phát triển kinh tế.

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi để đầu tư phát triển trang trại, đến nay gia đình anh Nông Văn Phẩm với 5.000m2 ruộng thu hoạch từ  7 tấn - 8 tấn lúa, duy trì nuôi 20 - 25 con lợn, 200 gia cầm, 2.000m2 rau các loại, mở dịch vụ xay xát.. thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Gia đình anh Phẩm còn tạo điều kiện cho hơn 10 hộ trong bản tham gia  trồng rau sạch cung cấp ra thị trường với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Huyện Phong Thổ đã tăng cường hỗ trợ, khuyến khích bà con dân tộc dám nghĩ, dám làm, tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con giống mới, phá thế độc canh sản xuất truyền thống; từng bước đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ trong kinh tế nông nghiệp.

Để phong trào nông dân thi đua sản xuất đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, huyện Phong Thổ chú trọng công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu về lợi ích và cùng hưởng ứng tham gia. Cùng với đó, vận động hội viên nông dân phát huy thế mạnh từng vùng, khu vực khai thác thế mạnh vùng đồi núi kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi với kinh tế vườn rừng. Từ đó khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, lao động, vốn, mở rộng quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi theo hướng lựa chọn giống, vật nuôi phù hợp điều kiện môi trường.

Huyện cũng  chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nông dân, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn như các chương trình 30a, 135, Quyết định 29 của UBND tỉnh…; trong đó, Hội Nông dân huyện đứng ra ký hợp đồng ủy thác với các ngân hàng, để các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, tạo thuận lợi cho đầu tư sản xuất; đồng thời, tổ chức trên 31 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 930 hội viên nông dân.

Ông Lò Văn Khèm, Phó Chủ tịch, Hội Nông dân huyện Phong Thổ cho biết, hàng năm, hội giao chỉ tiêu số lượng hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đến từng cơ sở, đồng thời tìm hiểu, tư vấn, giúp đỡ về giống, khoa học, dạy nghề để bà con đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Qua phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến và vùng sản xuất lúa tập trung, mô hình trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việt Hoàng 

Có thể bạn quan tâm