Thừa Thiên - Huế: Phát triển rừng trồng theo hướng bền vững

Thừa Thiên - Huế: Phát triển rừng trồng theo hướng bền vững
Thừa Thiên - Huế phát triển tài nguyên rừng. Ảnh minh họa: Dương Giang - TTXVN
Thừa Thiên - Huế phát triển tài nguyên rừng.
Ảnh minh họa: Dương Giang - TTXVN

Để phát triển rừng trồng theo hướng bền vững, từ năm 2016, tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn, đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 13.000 ha rừng trồng gỗ lớn; trong đó, tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn được Hội đồng quản trị rừng quốc tế công nhận (tiêu chuẩn FSC) là 40% so với diện tích rừng gỗ lớn, tương đương 5.000 ha rừng trồng sản xuất sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường.

Đến nay, tỉnh có gần 4.000 ha rừng trồng gỗ lớn của các tổ chức, cá nhân được Đoàn tư vấn đánh giá quốc tế (GFA) công nhận và cấp chứng chỉ FSC; trong đó, có 950,98 ha của 241 hộ dân, 3.096 ha của Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong... Hiện, mỗi năm, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu hơn 2.000 ha rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC.

Đáng chú ý, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến lâm quốc gia, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức trồng mô hình rừng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế với diện tích là 55 ha, gồm 34 hộ tham gia thuộc 3 xã khó khăn: Hồng Hạ, Hương Nguyên (huyện A Lưới), Hồng Tiến (thị xã Hương Trà); và 2 xã miền núi: Bình Thành, Bình Điền (thị xã Hương Trà); 1 xã đồng bằng là Phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà).

Để triển khai mô hình này, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và người dân khảo sát lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình, đồng thời thiết kế biện pháp kỹ thuật chủ yếu áp dụng trồng rừng thâm canh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh 9-12 năm. Cụ thể, mật độ trồng ban đầu 1.330 cây/ha (cự ly 2,5 x 3,0m), xử lý thực bì toàn diện, hố đào 40x 40x40 cm, chăm sóc 3 năm, bón phân NPK 10-10-5, tỉa thưa 1-2 lần; mật độ rừng để lại sau các lần tỉa thưa từ 500-600 cây/ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, trồng rừng gỗ lớn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế rừng trước xu thế hội nhập. Đây là cơ hội và cũng là điều kiện quan trọng để chế biến, xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng. Lợi thế lớn hiện nay là trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu gỗ.

Chế biến dăm gỗ xuất khẩu từ nguyên liệu rừng trồng tại Phú Lộc. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Chế biến dăm gỗ xuất khẩu từ nguyên liệu rừng trồng tại Phú Lộc.
Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Để tận dụng, phát huy lợi thế, tiềm năng, các ban ngành cần nghiên cứu đa dạng chủng loại rừng, mở rộng diện tích, hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, có biện pháp ứng phó thời tiết, bão lũ nhằm bảo vệ, phát triển rừng trồng... Về lâu dài, tỉnh đang nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai cho người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn có FSC...

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện thành lập Hội chủ rừng phát triển bền vững (tên tiếng anh viết tắt là FOSDA) với chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ rừng hộ gia đình quy mô nhỏ trong hoạt động kinh doanh rừng bền vững. Cùng đó, có nhiệm vụ thúc đẩy các chủ rừng tích cực hưởng ứng tham gia vào hoạt động quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn được Hội đồng quản trị rừng Quốc tế công nhận (tiêu chuẩn FSC).

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất lâm nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất lâm nghiệp để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng như sử dụng cây keo lai mô trong trồng rừng thâm canh gỗ lớn, tỉa thưa rừng keo trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng. Do vậy, tỉnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng mô hình sản xuất cây con phục vụ cho việc trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức được 56 nguồn giống lâm nghiệp với gần 45ha; trong đó, chủ yếu bằng các hình thức nhân giống truyền thống như gieo hạt, vườn cung cấp hom và nhân giống hữu tính… để phục vụ cho việc trồng rừng.

Các nguồn giống đã và đang được sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn cung cấp chất lượng tốt để sản xuất cây con trồng rừng, đáp ứng nhu cầu trồng rừng theo hướng bền vững ngày càng tăng cao của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm