Thừa Thiên – Huế hơn 1.000 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá

Thừa Thiên – Huế hơn 1.000 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá
Cây sắn bị bệnh khảm lá sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ. Ảnh: TTXVN
Cây sắn bị bệnh khảm lá sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ.
Ảnh: TTXVN

Bệnh khảm lá virus hại sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus, lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Triệu chứng của bệnh là các khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nặng khiến lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm, sinh trưởng kém. Khi cây sắn còn non bị nhiễm virus sẽ không cho củ; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus sẽ bị giảm năng suất, chất lượng.

Huyện Phong Điền là địa phương có diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Theo thống kê, đến nay, toàn huyện đã trồng khoảng 1.200 ha sắn; trong đó, có đến 817 ha nhiễm bệnh khảm lá; nhiều diện tích đã nhiễm bệnh hoàn toàn. Ước tính thiệt hại bước đầu khoảng 6 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phong Điền, bệnh khảm lá trên cây sắn lây lan nhanh ảnh hưởng rất lớn đến diện tích trồng sắn của huyện và gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Hiện, huyện đang triển khai các giải pháp phòng trừ, tiêu hủy cây bệnh, đồng thời thông báo đến người dân về tình hình bệnh để có giải pháp xử lý hiệu quả.

Cụ thể, các ruộng sắn tỷ lệ bệnh dưới 70% tiến hành nhổ cây bị bệnh, thu gom và đốt. Nếu tỷ lệ bệnh trên 70% thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt. Đối với diện tích trồng sắn xen lạc sau khi nhổ bỏ tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh, tiến hành chăm sóc, tùy điều kiện thực tế và độ ẩm đất có thể trồng dặm bằng các giống sạch bệnh rõ nguồn gốc; hoặc chờ thu hoạch lạc xong sẽ chuyển đổi cây trồng.

Theo báo cáo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên – Huế, kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh trồng khoảng 5.215 ha sắn, hiện nay đã trồng 3.702 ha, sắn đang giai đoạn 5-7 lá. Bệnh khảm lá sắn đang gây hại trên diện tích 1.074 ha; trong đó, tập trung tại huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà.

Bệnh khảm lá sắn hiện nay chưa có thuốc đặc trị trong khi việc triển khai các giải pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn còn nhiều khó khăn như: tiêu hủy, vệ sinh đồng ruộng, kiểm soát nguồn giống sắn để gieo trồng vụ mới chưa được nông dân thực hiện; một số địa phương nông dân vẫn sử dụng giống nhiễm bệnh hoặc đang ủ bệnh để gieo trồng. Một số nông dân đã biết tác hại của bệnh khảm lá sắn nhưng tiếc không nhổ bỏ, một số nông dân chưa biết về bệnh khảm lá sắn và tác hại của bệnh nên chưa quan tâm đến việc phòng trừ, tiêu hủy cây bệnh.

Thời gian tới, dự báo, bọ phấn trắng sẽ tiếp tục phát triển mạnh do gặp thời tiết thuận lợi. Ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo, để phòng trừ bệnh khảm lá sắn hiệu quả, các địa phương cần tiến hành nhổ bỏ sớm các diện tích sắn đã nhiễm bệnh; tuyệt đối không được sử dụng thân sắn đã nhiễm bệnh để làm hom giống; sử dụng hom giống sạch bệnh, kháng bệnh để trồng.

Các địa phương không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn như cây thuốc lá, cà chua, cà pháo, khoai tây, ớt… ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ. Sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng để diệt bọ phấn trắng; những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn trắng, phun khi bọ phấn giai đoạn ấu trùng để có hiệu quả cao. Ngoài ra, tỉnh cần sớm công bố dịch để có các chính sách hỗ trợ cho nông dân.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, hiện nay, bệnh khảm lá sắn đang lây lan nhanh và gây hại nghiêm trọng, các địa phương phải triển khai khẩn cấp phòng chống bệnh khảm lá sắn; đồng loạt rà soát, thống kê các diện tích đang bị bệnh để nhổ bỏ, tiêu hủy.

Đối với các huyện chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn, lãnh đạo chính quyền địa phương cần theo dõi thường xuyên, không được chủ quan, tiến hành tổng rà soát diện tích trồng sắn, bệnh khảm lá để khoanh vùng chỉ đạo, dập dịch; các diện tích chưa gieo trồng cần tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt nguồn giống.

Các địa phương tăng cường dự báo nhằm phát hiện sớm bệnh khảm lá; phòng trừ môi giới truyền bệnh; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân về bệnh khảm lá sắn, tác hại của bệnh và các biện pháp phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả; đồng thời, tiến hành nghiên cứu, chuyển đổi cây trồng ở các diện tích đã nhiễm bệnh cũng như tìm các giải pháp hỗ trợ cho người dân trong thời gian tới.
Tường Vi
TTXVN

Có thể bạn quan tâm