Thừa Thiên – Huế: Hỗ trợ người dân trồng cao su bị thiệt hại do bão số 5

Thừa Thiên – Huế: Hỗ trợ người dân trồng cao su bị thiệt hại do bão số 5

Cao su, là cây trồng chủ lực ở vùng gò đồi tỉnh Thừa Thiên – Huế, giúp bà con nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, cơn bão số 5 đã làm hơn 860 hecta cao su trên địa bàn tỉnh bị gãy đổ, khiến nhiều người trồng cao su trắng tay. Hiện nay, chính quyền địa phương các cấp đang tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để chung tay gỡ khó cho bà con nông dân.

Thừa Thiên – Huế: Hỗ trợ người dân trồng cao su bị thiệt hại do bão số 5 ảnh 1Vườn cây cao su của người dân gãy đổ do bão. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Dọc con đường lên xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền những ngày này, cao su nằm ngổn ngang, cây gãy lởm chởm, bật gốc, nhiều chuyến xe tải ngược xuôi chở gỗ về, cả vùng vọng lên hàng chục tiếng cưa máy, tiếng rìu chặt.

Bên đống gỗ cao su vừa được cưa thành từng đoạn để làm củi, anh Nguyễn Xuân Dũng chia sẻ, vườn của gia đình anh có 2.400 cây cao đang thời kỳ khai thác mủ, nhưng cơn bão số 5 đi qua đã làm gãy đổ 75% diện tích cao su, gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của gia đình. Hơn nữa vốn vay từ ngân hàng để đầu tư cho diện tích cao su này chưa hoàn trả xong. Bao nhiêu công sức vốn liếng đổ vào vườn cây, hôm nay coi như mất trắng. Gia đình anh mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để sớm khôi phục lại diện tích cây cao su, ổn định sinh kế.

Thừa Thiên – Huế: Hỗ trợ người dân trồng cao su bị thiệt hại do bão số 5 ảnh 2Ngổn ngang sau cơn bão. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Đứng nhìn vườn cao su hơn 5 hecta bị gãy đổ do bão, ông Trần Đình Hùng, trú tại thôn Huỳnh Trúc, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền cho biết, gia đình trồng 3 hecta rừng cao su từ năm 2006, bình quân mỗi ngày thu gần 1 triệu đồng. Nay, bão số 5 làm gãy, đổ hàng ngàn cây cao su, chỉ còn lại rải rác chưa đến 1 hecta ở các khoảnh rừng khác nhau. Thành quả mà vợ chồng khổ cực chăm sóc rừng suốt mấy năm qua, đã bị cuốn theo bão.

Thời gian tới, gia đình ông không biết sống dựa vào nguồn thu nhập nào. Ngay sau bão, những thành viên trong gia đình ông Hùng tự cắt cây kêu thương lái bán gỗ cao su với giá 50 nghìn đồng/cây mong vớt vát được chút vốn.

Cũng như gia đình ông Hùng, 90 hộ dân trong thôn Huỳnh Trúc, xã Phong Mỹ cũng chỉ biết gạt nước mắt đứng nhìn những vườn cao su đang xanh tốt gãy rạp xuống đất sau một đêm. Ông Nguyễn Chánh Thành, Trưởng thôn Huỳnh Trúc, xã Phong Mỹ cho biết, toàn thôn có 90 hộ dân sống dựa chủ yếu vào cây cao su với diện tích 91 hecta, trong đó có 85 hecta đã cho thu hoạch. Bão số 5 đã tàn phá toàn bộ diện tích cao su ở thôn với tỷ lệ thiệt hại lên đến 60 - 75%, khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần.

Xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền là địa phương có diện tích cây cao su bị gãy đổ do bão số 5 lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế với khoảng 700 hecta. Trên địa bàn xã hiện có hơn 1.300 hecta cao su của 1.700 hộ dân; mang lại thu nhập khá cho người nông dân với tổng doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Hiện nay việc tái sản xuất đối với những hộ trồng cao su rất khó khăn.

Thừa Thiên – Huế: Hỗ trợ người dân trồng cao su bị thiệt hại do bão số 5 ảnh 3Ước tính có hơn 2.000 hecta diện tích rừng trồng và cao su bị gãy đổ, gây thiệt hại lớn cho người dân các xã vùng gò đồi. Ảnh: Tường Vi - TTXVN


Theo ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, hiện nay, địa phương đang thống kê tỷ lệ thiệt hại để có những giải pháp cũng như đề xuất cấp trên hỗ trợ người nông dân trồng cao su bị thiệt hại do bão.

Trước mắt, đối với diện tích bị ngã đổ thiệt hại hoàn toàn, địa phương sẽ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua gỗ cao su thanh lý cho người dân. Khuyến khích, vận động người dân phục hồi sản xuất, đối với những diện tích bị nghiêng, gãy cành thiệt hại dưới 50%.

Về lâu dài sẽ đề xuất hỗ trợ một phần giống, phân bón cho người trồng tái tạo vườn cao su; nghiên cứu các giải pháp bảo vệ rừng cao su trong mưa bão; trong trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ xin ý kiến cấp trên. Đồng thời rà soát danh sách, thống kê các hộ dân xem số dư nợ liên quan trồng cây cao su trên địa bàn để kiến nghị huyện Phong Điền làm việc với các ngân hàng để tìm hướng tháo gỡ.

Do ảnh hưởng của bão số 5, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, ước tính có hơn 2.000 hecta diện tích rừng trồng và cao su bị gãy đổ, gây thiệt hại lớn cho người dân các xã vùng gò đồi. Riêng diện tích cây cao su hơn 863,5 hecta, tập trung ở huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà.

Tại buổi kiểm tra tình hình cây cao su bị gãy đổ do bão số 5 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu chính quyền địa phương các cấp khẩn trương tiến hành nghiên cứu các phương án hỗ trợ, kết nối, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, thu hoạch diện tích cây cao su bị gãy đổ để giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân.

Đồng thời, tỉnh tiến hành thống kê chi tiết các diện tích bị gãy đổ, thiệt hại để có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho người dân bị thiệt hại trong giai đoạn khó khăn này.


Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm