Thừa Thiên - Huế đầu tư 2.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng công nghiệp, du lịch

Thừa Thiên - Huế đầu tư 2.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng công nghiệp, du lịch
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các cơ quan đơn vị Trung ương đẩy nhanh tiến độ các đầu tư lớn trọng điểm như: Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, nút giao đường tránh Huế - Quốc lộ 1A, mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng; phối hợp thực hiện các thủ tục đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài làm tiền đề co việc khởi công dự án này trong năm 2018. 

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hình thành 7 khu công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 2.700 ha, thu hút được 137 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 63.000 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 17.000 tỷ đồng, chiếm 27% tổng vốn đăng ký. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hình thành 7 khu công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 2.700 ha, thu hút được 137 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 63.000 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 17.000 tỷ đồng, chiếm 27% tổng vốn đăng ký. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Đối với hệ thống giao thông do địa phương quản lý, Thừa Thiên - Huế tập trung đầu tư các tuyến giao thông quan trọng trong khu vực đô thị trung tâm, giữa khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhằm liên kết các vùng, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế xã hội như: đường Tố Hữu nối với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đường Mỹ An - Thuận An; chuẩn bị điều kiện thực hiện các dự án: đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa), đường nối từ Quốc lộ 1A vào vườn quốc gia Bạch Mã, đường từ đường tránh phía Tây thành phố Huế đi điện Hòn Chén. 


Tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục triển khai dự án cấp nước trên địa bàn từ nay đến giai đoạn 2020 từ nguồn vốn ODA, ADB; nối mạng cấp nước từ nhà máy nước Phong Thu vào khu công nghiệp Phong Điền; đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, xây dựng nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Phong Điền công suất 4.500m3/ngày đêm, hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. 

Thừa Thiên - Huế hiện đứng thứ 25 trên cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Thừa Thiên - Huế hiện đứng thứ 25 trên cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Tỉnh tập trung đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế; đầu tư hệ thống cấp điện phục vụ thi công hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền - Viglacera; triển khai đề án xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại khu công nghiệp Phong Điền đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Công văn số 1856/TTg-KTN ngày 21/10/2016; xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Phú Đa, Quảng Vinh và kêu gọi đầu tư nhà ở, hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ công nhân gắn với phát triển khu công nghiệp. 

Nhờ phát triển đầu tư hạ tầng công nghiệp, đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế hình thành 7 khu công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 2.700 ha. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 137 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 63.000 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 17.000 tỷ đồng, chiếm 27% tổng vốn đăng ký. Trong đó, có 92 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,65 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trên địa bàn đạt trên 908 triệu USD, chiếm 34,3% trong tổng vốn đầu tư đăng ký. Năm 2016, các doanh nghiệp FDI có doanh thu đạt 650 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 1.500 tỷ đồng, chiếm gần 30% thu ngân sách của địa phương; tạo việc làm cho 17.500 lao động. 

Xây dựng tổ hợp Trung tâm Thương mại và Khách sạn Vincom Hùng Vương - Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Xây dựng tổ hợp Trung tâm Thương mại và Khách sạn Vincom Hùng Vương - Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Thừa Thiên - Huế hiện đứng thứ 25 trên cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Riêng năm 2016, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp phép mới 9 dự án, cấp điều chỉnh tăng vốn 2 dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm 23,5 triệu USD.../. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm