Thừa Thiên – Huế: Bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam tái phát Burkitt Lymphoma được ghép tế bào gốc

Gia đình bệnh nhi tặng hoa cám ơn đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Mai Trang-TTXVN
Gia đình bệnh nhi tặng hoa cám ơn đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Ngày 13/9, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa ghép thành công tế bào gốc và cho xuất viện bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam tái phát bệnh Burkitt Lymphoma (một dạng của ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin). Đến nay, sau 14 ngày ghép tế bào gốc, các dòng tế bào máu đã được phục hồi; sức khỏe cháu bé ổn định và được chỉ định về nhà uống thuốc, tái khám theo lịch hẹn.

Thừa Thiên – Huế: Bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam tái phát Burkitt Lymphoma được ghép tế bào gốc ảnh 1Bệnh nhi mắc Burkitt Lymphoma được ghép tế bào gốc thành công và xuất viện. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Cháu Nguyễn Xuân B. (7 tuổi, trú tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) khởi bệnh với biểu hiện sốt tái diễn kèm đau bụng thường xuyên. Kết quả chụp CT scan ổ bụng của bệnh nhi cho thấy một khối u lớn ở ruột. Sau đó, cháu bé được cắt bỏ khối u, làm hậu môn nhân tạo. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy, bệnh nhi có u hạch Lymphoma Burkitt và được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) theo phác đồ.

Sau khi cháu B. hoàn tất đợt điều trị được 1 tháng thì bệnh tái phát. Để kéo dài sự sống cho cháu thì cần điều trị hóa chất liều cao kèm ghép tủy tự thân. Vì thế, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục điều trị cho bệnh nhi theo phác đồ tái phát và gửi đến Bệnh viện Trung ương Huế để ghép tủy.

Thừa Thiên – Huế: Bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam tái phát Burkitt Lymphoma được ghép tế bào gốc ảnh 2Sức khoẻ bệnh nhi mắc Burkitt Lymphoma được ghép tế bào gốc thành công đã ổn định. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, vì vậy, việc thực hiện ghép tủy cho cháu bé gặp nhiều khó khăn. Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã gấp rút hội chẩn đa chuyên khoa để lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhi với các bước cụ thể: thu hoạch tế bào gốc, tấn công tiếp vòng thuốc thứ 3 còn lại theo phác đồ, đóng hậu môn nhân tạo và tiến hành ghép tủy.

Đến nay, sau 14 ngày ghép, sức khỏe cháu B. tiến triển tốt, tâm lý được cải thiện và đã có thể sinh hoạt bình thường. "Gia đình cảm thấy rất vui mừng khi nhìn cháu vui vẻ trở lại, chạy nhảy cùng bạn bè. Các y bác sỹ Trung tâm Nhi nói riêng và Bệnh viện Trung ương Huế thời gian qua đã chăm sóc cháu rất tận tình, luôn động viên tinh thần để cháu B. vượt qua những cơn đau khi vào thuốc", anh Nguyễn Xuân Nam (bố bệnh nhi Nguyễn Xuân B.) chia sẻ.

Thừa Thiên – Huế: Bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam tái phát Burkitt Lymphoma được ghép tế bào gốc ảnh 3Gia đình bệnh nhi tặng hoa cám ơn đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa (Phó Trưởng khoa Khoa Nhi Ung bướu huyết học – ghép tủy, Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, trong quá trình điều trị, bệnh nhi được chỉ định hóa chất liều cao khiến dòng tế bào hồng cầu, tiểu cầu giảm. Vì vậy, yêu cầu nguồn máu đủ phục vụ điều trị cho bệnh nhi trong điều kiện dịch bệnh là điều khó khăn đối với đơn vị. Tuy nhiên, sự hỗ trợ, hiến máu từ các đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện đã góp phần đảm bảo đủ nguồn máu cho bệnh nhi.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, sự thành công của ca ghép tủy Burkitt Lymphoma tái phát này không chỉ là niềm vui của gia đình bệnh nhi Nguyễn Xuân B. mà còn là bước ngoặt lớn của đơn vị trong chuyên môn ghép tế bào gốc điều trị cho các bệnh nhi ung thư. Trong thời gian tới, ngoài nỗ lực thực hiện nhiều ca ghép tủy tự thân, bệnh viện sẽ triển khai ghép tủy đồng loại để mang lại sự sống cho các bệnh nhi.

Thừa Thiên – Huế: Bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam tái phát Burkitt Lymphoma được ghép tế bào gốc ảnh 4Bệnh nhi mắc Burkitt Lymphoma cùng các bệnh nhi khác được ghép tế bào gốc thành công xuất viện. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Triển khai từ năm 2019, việc thực hiện ghép tủy tại Bệnh viện Trung ương Huế diễn ra một cách thuận lợi, bởi đơn vị tập hợp tất cả các chuyên khoa. Đến nay, đơn vị đã ghép tủy thành công cho 13 bệnh nhi; trong đó, có 1 ca ghép tủy đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện với trường hợp u nguyên bào võng mạc di căn.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, với phương pháp ghép tế bào gốc có thể chữa lành đến 80% cho các trẻ u nguyên bào võng mạc di căn. Với các bệnh nhi bị bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, sau ghép, trẻ được xạ trị và uống thuốc retino-acid. Đến nay, các trẻ tương đối khỏe mạnh, phát triển tốt và được theo dõi tái khám thường xuyên bởi đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện.

Mai Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm