“Thư viện thu nhỏ” góp phần phát triển văn hóa đọc

“Thư viện thu nhỏ” góp phần phát triển văn hóa đọc
Đã nhiều năm nay, cứ thứ 4 và chủ nhật hàng tuần, thư viện “Cây Tùng” tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, lại mở cửa để phục vụ người dân. Thư viện “Cây Tùng” ra đời từ năm 2003 tại xóm 7, xã Hưng Tân; do ông Nguyễn Thanh Tùng đầu tư xây dựng. Thư viện có 3 phòng rộng khoảng 50 m2, trong đó có 1 phòng để tủ sách, 1 phòng đọc và 1 phòng để loa máy và một chiếc ti vi. Những ngày đầu mới xây dựng, thư viện chỉ có 7 đầu báo và trên 1.000 cuốn sách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, thư viện “Cây Tùng” đã có trên 2.000 đầu sách và trên 10 đầu báo ra hàng ngày. Trung bình mỗi ngày, thư viện “Cây Tùng” có 40 - 50 người dân ở nhiều độ tuổi khác nhau tới đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Đây đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần, phát triển văn hóa đọc của người dân xã Hưng Tân ở mọi độ tuổi khác nhau.
“Thư viện thu nhỏ” góp phần phát triển văn hóa đọc ảnh 1
Tủ sách họ Đặng trở thành nơi đọc sách, tìm kiếm tài liệu, trao đổi kiến thức của các em học sinh xã Hưng Lĩnh từ nhiều năm nay.
Trước sự hoạt động hiệu quả của thư viện, năm 2009, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, thư viện “Cây Tùng” được chuyển ra vị trí trung tâm của xã Hưng Tân để thuận tiện cho việc đọc sách của người dân. Năm 2010, thư viện mở thêm “5 Cây Tùng con” là 5 tủ sách ở 5 xóm trên địa bàn xã Hưng Tân, mỗi tủ sách có trên 300 cuốn. Sách được thường xuyên luân chuyển từ thư viện “Cây Tùng” chính xuống các tủ sách để phục vụ bạn đọc.
Thư viện “Cây Tùng” cùng với chính quyền xã Hưng Tân thường xuyên kêu gọi con em quê hương quyên góp, ủng hộ sách báo cho thư viện. Vì vậy số sách, tài liệu hàng năm của thư viện ngày một tăng lên. Dù ở xa quê hương nhưng đều đặn hàng tháng, thông qua bưu điện huyện Hưng Nguyên, ông Nguyễn Thanh Tùng vẫn gửi về cho thư viện một số đầu báo ra hàng ngày như: Báo Đời sống Pháp luật, báo Người cao tuổi, Mực tím, Hoa học trò... Bên cạnh đó, thư viện “Cây Tùng” còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích tinh thần hiếu học của con em địa phương như trao giải thưởng khuyến học “Bông sen Vàng”, tổ chức các cuộc thi viết báo tường dịp đầu xuân, tổ chức nói chuyện chuyên đề...
“Tủ sách họ Đặng” tại xóm 8, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên cũng là một trong những địa chỉ góp phần lớn phát triển văn hóa đọc, khuyến khích tinh thần hiếu học của con cháu trong dòng họ cũng như người dân địa phương. Ông Đặng Đình Tùng, Trưởng Hội đồng gia tộc họ Đặng, xã Hưng Lĩnh, cho biết: “Tủ sách họ Đặng” ra đời năm 2011, nằm trong khuôn viên nhà thờ dòng họ Đặng; là nơi để con cháu trong dòng họ, người dân địa phương có cơ hội để trao đổi việc học tập, nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo nhằm nâng cao kiến thức.
Những ngày đầu mới xây dựng, “Tủ sách họ Đặng” chủ yếu là sách giáo khoa ở nhiều cấp học khác nhau do con cháu trong dòng họ quyên góp để giúp đỡ các con em trong dòng họ có hoàn cảnh khó khăn. Sau này, với sự đầu tư của dòng họ, số sách trong tủ sách đã ngày càng tăng lên về số lượng cũng như đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, “Tủ sách họ Đặng” có trên 2.000 cuốn sách ở 20 lĩnh vực. Cùng với việc phục vụ cho con cháu trong dòng họ, tủ sách còn phục vụ cho đông đảo nhân dân địa phương có nhu cầu đọc sách và mượn sách. Tủ sách mở cửa phục vụ người dân thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 30 - 40 người tới đọc và mượn sách.
Ông Nguyễn Cảnh Cư, Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Hưng Nguyên cho biết: Cùng với công tác khuyến học, các thư viện ở các địa phương như thư viện “Cây Tùng” và “Tủ sách dòng họ Đặng” có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển văn hóa đọc của người dân, khơi dậy tinh thần hiếu học của con em địa phương. Theo ông Cư, để các thư viện sách ở các địa phương phát triển hơn nữa, chính quyền các địa phương cần tích cực kêu gọi các nguồn lực cũng như sự ủng hộ của con em quê hương bổ sung tài liệu, tăng số lượng sách mới. Thư viện tuyến tỉnh và tuyến huyện cần có hình thức giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm chuyên môn đến các người phụ trách, quản lý thư viện ở các địa phương để đảm bảo công tác quản lý, cho mượn sách, phục vụ bạn đọc đạt hiệu quả; đồng thời thư viện ở các địa phương cần phối hợp với thư viện tỉnh Nghệ An trong việc luân chuyển sách báo mới, nhằm tạo sức hấp dẫn với bạn đọc.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm