Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, giải đáp nhiều câu hỏi của phụ nữ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, giải đáp nhiều câu hỏi của phụ nữ

Sáng 15/10, nhân Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với phụ nữ về "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội". Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, giải đáp nhiều câu hỏi của phụ nữ ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với Phụ nữ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Trong chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, thành viên Chính phủ đã đối thoại với đại diện phụ nữ cả nước các chủ đề chính: phụ nữ với phát triển kinh tế; phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; phụ nữ và thế hệ tương lai.

Tại đối thoại, chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bản Giao, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đặt câu hỏi về giải pháp nhằm tạo cơ hội để phụ nữ chủ động, sáng tạo tham gia khởi nghiệp, kinh tế tập thể, đặc biệt các giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, các giải pháp hỗ trợ các sản phẩm của phụ nữ đạt tiêu chuẩn OCOP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, giải đáp nhiều câu hỏi của phụ nữ ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với Phụ nữ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Chị Đỗ Thị Ninh, Trưởng phòng giao dịch 03, Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương chi nhánh Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức Tài chính vi mô, góp phần thực hiện chủ trương của Nhà nước trong giảm thiểu tín dụng đen, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia.

Cùng với phần giải đáp của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng đã có nghị quyết, Quốc hội có luật về hợp tác xã và các quy định về phát triển hợp tác xã. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xem xét, điều chỉnh, sửa đổi các vướng mắc, các quy định chưa sát thực tế, nhất là các cơ chế chính sách để khuyến khích chị em tham gia hợp tác xã.

Thủ tướng cho rằng, phát triển sản phẩm OCOP có 5 vấn đề để phát triển bền vững, hiệu quả: xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; sự hỗ trợ về vốn của các tổ chức tín dụng; hỗ trợ khoa học công nghệ; hỗ trợ thị trường.

Về tài chính vi mô, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng nghiên cứu, mở rộng đối tượng, hạn mức, thời gian ưu đãi để phụ nữ tiếp cận nguồn vốn phù hợp, để người dân nói chung và chị em nói riêng không phải vay tín dụng đen, đồng thời giúp chị em sử dụng vốn hiệu quả để trả lại cho ngân hàng.

Đối với kiến nghị của chị Vi Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân, Thanh Hóa về mô hình hoặc giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong lúc khó khăn, đặc biệt đóng góp quan trọng cho xuất khẩu của đất nước. Hiện nay, Trung ương đã có Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; đề nghị các cấp, ngành liên quan triển khai mạnh mẽ, cụ thể hóa chính sách để phụ nữ được đóng góp nhiều hơn vào xây dựng nông thôn mới “nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh”.

Chị Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam đề nghị Chính phủ sẽ có giải pháp gì nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, trong đó, có những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể về thu hút và sử dụng nhà khoa học nữ trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, giải đáp nhiều câu hỏi của phụ nữ ảnh 3Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, tổ chức Hội tham gia đối thoại với Phụ nữ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Sau phần giải đáp của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những đóng góp của nữ phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, cũng như trong quá trình phát triển đất nước; cho biết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới thời gian qua đã đạt kết quả quan trọng. Song, ngoài vai trò xã hội, phụ nữ còn có vai trò, thiên chức riêng.

Do đó, cùng với chính sách chung về phát triển khoa học – công nghệ, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành cần rà soát lại cơ chế, chính sách để khuyến khích phụ nữ tham gia, đóng góp nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học, theo hướng bình đẳng, phù hợp hơn, nhất là trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế toàn hoàn, chống biến đổi khí hậu.

Trước đề nghị của chị Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH May SH, Thừa Thiên Huế về chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực triển khai các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia và phần giải đáp của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước rất quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Trong văn hóa có trang phục; các dân tộc đều có trang phục riêng, trong đó áo dài Việt Nam là một nét hết sức độc đáo, có sức ảnh hưởng, giá trị sử dụng lớn trong cộng đồng, xứng đáng là di sản của đất nước. Đề nghị các bộ, ngành rà soát xem xét lại toàn diện về thể chế, quy trình, thủ tục, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Trước băn khoăn của chị Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova về xây dựng đất nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn đặt mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đi lên sau nhiều mất mát do chiến tranh, hiện nay, chúng ta vẫn là đất nước đang phát triển. Sau 35 năm đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy quốc tế như ngày nay”.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. “Với quyết tâm cao và nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thành công mục tiêu này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về băn khoăn của chị Lê Thị Bích Hậu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên về việc tỷ lệ cán bộ nữ, đặc biệt là ở những địa phương tham gia các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương; cùng với phần giải đáp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước đã có chính sách bình đẳng giới trong mọi hoạt động, trong đó có việc tạo điều kiện, nới rộng độ tuổi để phụ nữ tham gia quản lý nhà nước.

Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện vẫn đang là khâu yếu. Do đó, cùng với tiếp tục tổ chức thực hiện thật tốt chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, chúng ta phải bỏ được định kiến, đặc biệt bản thân phụ nữ cũng phải có tiếng nói, khẳng định mình, trên tinh thần trọng dụng những người có đức, có tài.

Chị Trần Thị Tuyết Thương, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đặt câu hỏi về giải pháp để giải quyết các vấn đề của phụ nữ di cư trở về địa phương, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp lý, trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài.

Cùng với phần giải đáp của lãnh đạo Bộ Tư pháp về thực trạng và giải pháp tạo điều kiện phụ nữ và trẻ em di cư trở về địa phương được tiếp cận tái hòa nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Hiến pháp Việt Nam nêu rõ và khẳng định quyền con người. Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực của sự phát triển và luôn luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Tuy nhiên trên thực tiễn cuộc sống luôn luôn vận động, có những phát sinh, có thể có khoảng trống pháp lý chưa bao phủ hết. Việc người Việt ra đi và trở về đất nước có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Do đó cần rà soát, hoàn thiện pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trước mắt, trên cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, áp dụng các quy định hiện hành ở mức tối đa, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân. Đặc biệt, đảm bảo cho các cháu phải được đi học, khám chữa bệnh, vui chơi, mưu cầu hạnh phúc bình đẳng như mọi trẻ em khác.

Về giải pháp để hạn chế tình trạng cung cấp, chia sẻ thông tin của cá nhân trên mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư, tác động mạnh hoặc gây sang chấn đối với phụ nữ và trẻ em mà chị Đỗ Mai Hương, Chi hội trưởng chi hội 9 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu; Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phát huy tối đa mặt tích cực của công nghệ thông tin, công nghệ số, hạn chế tối đa tác động tiêu cực.

Chính phủ đã có và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và giải pháp bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; thực hiện một cách nghiêm túc, khen thưởng, xử lý kịp thời; nâng cao ý thức người dân; các cơ quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ngăn chăn, xử lý các hành vi vi phạm.

Tại hội nghị đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông... đã chia sẻ và giải đáp nhiều vấn đề phụ nữ nêu như: giải pháp để tăng số lượng người lao động được hưởng chế độ thai sản, trong đó có lao động nữ; đề xuất về xây dựng chương trình giáo dục làm cha mẹ tổng thể cấp Quốc gia; đề nghị đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho các đoàn thể ở cơ sở nói chung và Hội phụ nữ nói riêng…

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có phát biểu quan trọng, TTXVN tiếp tục cập nhật.

Phạm Tiếp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm