![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
* Lợi thế cửa ngõ Thủ đô
Thế mạnh và cũng là đặc thù của Hà Nam là vị trí địa lý hết sức thuận lợi, liền kề cửa ngõ phía Nam Thủ đô, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận tiện cùng với cầu Yên Lệnh nối đôi bờ sông Hồng. Vị trí địa lý tạo cho Hà Nam lợi thế mở rộng giao lưu hợp tác với các tỉnh Đông Bắc và ra cảng biển Hải Phòng. Với quỹ đất nông nghiệp dồi dào, nguồn khoáng sản tương đối đa dạng, đồng thời cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch thắng cảnh và du lịch sinh thái, Hà Nam đặt trọng tâm đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng. Tỉnh chủ trương mở rộng liên kết, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hà Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng chỉ số thu nhập bình quân đầu người từ mức 42,1 triệu đồng/người như năm 2015 lên mức 80,9 triệu đồng/người vào năm 2020.
Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn của tình hình kinh tế xã hội trong nước, song nửa đầu năm 2016, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nam đều tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như sản xuất công nghiệp tăng gần 16%, thu ngân sách tăng 29%, thu hút vốn đầu tư đạt kết quả tốt với 41 dự án.
Để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực, Lãnh đạo tỉnh Hà Nam đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có cơ chế tạo nguồn lực để các trường Đại học thuộc diện quy hoạch di dời ở Thủ đô Hà Nội và các Bệnh viện tuyến Trung ương về đầu tư tại Khu Đại học Nam Cao và Khu Trung tâm y tế chất lượng cao Hà Nam. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và Thủ tướng hỗ trợ tỉnh kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Cho phép tỉnh quy hoạch đầu tư hạ tầng một số khu đô thị; bổ sung và tạo điều kiện để tỉnh tiếp cận một số nguồn vốn trái phiếu, vốn ngân sách và vốn ODA.
![]() |
Thủ tướng đề nghị Hà Nam cần khai thác tốt hơn nữa thế mạnh là vùng kinh tế cửa ngõ Thủ đô, điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
* Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nam là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất khu đồng bằng sông Hồng về nhiều mặt, kinh tế xã hội và nhất là thu hút đầu tư.
Thủ tướng đề nghị Hà Nam cần khai thác tốt hơn nữa thế mạnh là vùng kinh tế cửa ngõ Thủ đô, điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển. Khẳng định tình đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những giá trị cốt lõi, điều kiện quan trọng để đưa Hà Nam ngày một phát triển, Thủ tướng mong muốn lãnh đạo tỉnh giữ gìn và phát huy tốt ưu điểm đã đạt được; xây dựng chủ trương, định hướng cũng như các giải pháp phát triển kinh tế xã hội phù hợp với đặc thù địa phương. Bên cạnh đó, đảm bảo tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Lưu ý lãnh đạo tỉnh phải coi trọng và chủ động rà soát, hoàn thiện công tác quy hoạch, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; không ngừng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức và đặc biệt là nâng cao hiệu quả đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Trong quá trình phát triển bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường, Thủ tướng gợi ý Hà Nam tăng cường đầu tư thúc đẩy dịch vụ du lịch để gìn giữ, tôn tạo môi trường sinh thái; ứng dụng mạnh mẽ hơn tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; coi đây là hướng ra quan trọng của nền nông nghiệp tỉnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã xem xét, góp ý và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Hà Nam liên quan đến những công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trước buổi làm việc, Thủ tướng đã tới thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Công ty An Phú Hưng đầu tư sản xuất - mô hình sản xuất chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 1 vừa qua trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu, hiệu quả cao trên địa bàn với diện tích khu vực dự án khoảng hơn 20 ha. Cơ sở này chuyên trồng rau, củ hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản, được thực hiện tại xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý từ tháng 7/2014. Đến nay, nhiều loại rau, củ của mô hình đã cho thu hoạch và được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao về chất lượng, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Nam.
Tuy nhiên, sau cơn bão số 1, toàn bộ các công trình phục vụ cho sản xuất tại dự án trồng rau trên của Công ty An Phú Hưng đã bị sập, tốc mái với diện tích khoảng 900 m2. Hơn 120 m tường rào của dự án bị kéo đổ và đặc biệt là toàn bộ cây trồng trên diện tích 21,59 ha bị đổ và dập nát.
Thủ tướng cũng đã tới thị sát tiến độ thi công của 2 Dự án xây mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đây là 2 trong 5 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối đạt tiêu chuẩn quốc tế được bắt đầu được xây dựng từ cuối năm 2015 để giảm quá tải cho 2 bệnh viện này ở Hà Nội. Hiện cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai với 1000 giường bệnh, do Tổng Công ty 36, Tổng Công ty Thành An và Tổng công ty 319 xây dựng đã đạt 60% khối lượng và dự kiến đến cuối năm sau sẽ đi vào hoạt động.
Để đảm bảo 2 bệnh viện với tổng vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng này sẽ đi vào hoạt động sau một năm rưỡi nữa theo kế hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế cũng như các nhà thầu cần vừa bảo đảm tiến độ vừa bảo đảm chất lượng của công trình. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cần triển khai ngay và phải dành nhiều thời gian cũng như công sức để đào tạo các y, bác sỹ cho 2 bệnh viện này, nhằm đáp ứng nhu cầu dự kiến mỗi bệnh viện hiện đại nhất này cần tới 2000 nhân viên. “Nếu không làm tốt việc đào tạo nguồn nhân lực thì sẽ làm lãng phí tiền thuế của nhân dân và làm mất uy tín của 2 bệnh viện hàng đầu cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức là nền tảng để Bộ Y tế và Hà Nam đưa tỉnh này thành một trung tâm y tế công nghệ cao, Thủ tướng đề nghị cần kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các bệnh viện vệ tinh và cung ứng các dịch vụ phụ trợ cho các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nam. Thủ tướng cũng đề nghị các bệnh viện cần quan tâm đào tạo và sử dụng lao động là những người dân ở địa phương đã di dời, tạo mặt bằng cho việc triển khai thi công 2 bệnh viện này./.