Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải hết sức sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải hết sức sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, sau khi nêu bật những kết quả toàn diện mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đạt được trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong thành tựu chung mà cả nước đạt được, những đóng góp của ngành Công Thương là rất lớn, rất quan trọng, nhất là đóng góp cho tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và nhiều lĩnh vực khác.

 

Cơ bản đồng tình với báo tổng kết cũng như những nhiệm vụ mà ngành Công Thương đề ra cho năm 2016 cũng như cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

 

Theo đó, trước hết ngành Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp phát triển mạnh hơn nữa, bền vững hơn nữa. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi thể chế chính là tạo ra hạ tầng mềm, nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp thì không thể phát triển bởi thể chế, cơ chế, chính sách là nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ.

 

“Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách là việc của chúng ta; doanh nghiệp, người dân không thể làm thay được mà Nhà nước phải làm, trong lĩnh vực này thì trực tiếp là ngành Công Thương. Trên cơ sở hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch,… các đồng chí phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo tinh thần thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không làm được điều này thì không thể thực hiện được yêu cầu đặt ra, không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách,… phải hết sức sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất, để xây dựng.

 

Cùng với đó là không ngừng nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ.

 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ thành quả hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế mang lại; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu bởi thị trường là yếu tố quyết định đối với sản xuất. Những gì còn vướng, còn khó khăn cho hoạt động xuất khẩu phải triệt để tập trung tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để mở rộng thị trường cho các mặt hàng mà trước hết những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông-thủy sản,… Đi liền với đó là kiểm soát tốt nhập siêu, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế.

 

“Đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu để tạo việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề về chính trị, xã hội,…” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và đồng thời nêu rõ, cùng với đó là phải tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường trong nước - một thị trường rộng lớn, có nhiều tiềm năng với dân số trên 90 triệu người và trong tương lai không xa sẽ là 100 triệu dân. “Chúng ta phải chiến thắng trên sân nhà và điều rất mừng hiện nay là ở các siêu thị, hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam chiếm tỷ trọng lên tới trên 90%”.

 

Một nhiệm vụ lớn tiếp theo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tới là ngành Công Thương cần quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh ở từng lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm tới tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước.

 

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành Công Thương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khăn khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ./.

Có thể bạn quan tâm