Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Ngày nay biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước… đã trở thành những vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được.

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của bảo vệ môi trường, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với vấn đề quan trọng này. Hội nghị Trung ương lần thứ 7, Khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham quan triển lãm về môi trường, trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham quan triển lãm về môi trường, trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, nhìn lại 5 năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả tích cực: Hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật đã được rà soát, bổ sung, không ngừng hoàn thiện; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến các địa phương tiếp tục được kiện toàn, năng lực quản lý được cải thiện đáng kể; đầu tư từ ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn và tăng dần qua từng năm (tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2015 là 11.400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010); các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường được áp dụng và bước đầu phát huy hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường tiếp tục được đẩy mạnh, kiên quyết xử lý những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đạt chỉ tiêu hàng năm do Quốc hội đề ra; một số dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tăng qua các năm; công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, tăng thêm công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nguồn lực quan trọng để bảo vệ môi trường. 

“Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức của toàn ngành tài nguyên và môi trường; sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương; đầu tư của các cấp chính quyền và của cộng đồng doanh nghiệp; sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội; sự hợp tác, giúp đỡ của các nhà khoa học, cộng đồng quốc tế và tinh thần trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ: Cần nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường như đã nêu trong Báo cáo tổng kết. Ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn tăng ở một số khu vực, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, trùng lắp, tính khả thi chưa cao, thực thi pháp luật chưa nghiêm; đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa phát huy tốt vai trò của cộng đồng, của các tổ chức quần chúng trong việc giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường; vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. 

Trong Báo cáo tổng kết của Hội nghị có nêu cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay; thậm chí đến năm 2025 có thể gấp 4 đến 5 lần; tính trung bình cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. “Đây là cảnh báo mà chúng ta phải rất cần quan tâm, khi trên thực tế vẫn còn tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững lâu dài”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. 

Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới và để bảo vệ môi trường trở thành một nội dung quan trọng, trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe và thể chất của giống nòi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cần tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ quan trọng, đó là phải quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XII sắp tới, các Nghị quyết Trung ương, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014; sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật có liên quan nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. 

Có thể bạn quan tâm