Thu nhập hàng tỷ đồng nhờ ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội

Thu nhập hàng tỷ đồng nhờ ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội

Trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, xác định đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...

Thu nhập hàng tỷ đồng nhờ ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội ảnh 1Mô hình trồng hoa áp dụng công nghệ cao ở Làng hoa Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh ( Hà Nội). Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, tập trung nhiều ở các huyện như Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng,… 

Trong số đó, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Đánh giá về chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất, ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, thời gian qua, huyện tập trung nhiều giải pháp để phát huy thế mạnh địa phương, thúc đẩy chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Huyện cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Thạch Thất đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với phương pháp truyền thống; góp phần tạo môi trường sống trong lành, bảo vệ sức khỏe người dân và cân bằng hệ sinh thái. Hiện nay, toàn huyện có 5 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao như nuôi lợn rừng, trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng diện tích 12 ha ở xã Yên Bình, 15 ha ở xã Yên Trung; trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, trồng hoa lily 12 ha, trồng hoa đồng tiền và một số loại hoa khác ở xã Đại Đồng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở xã Tiến Xuân. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dù còn nhỏ nhưng đã phát huy hiệu quả kinh tế rất lớn và tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn nên các loại rau phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, được người tiêu dùng đánh giá cao. Hàng năm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn khoai tây chất lượng cao cùng các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP như rau ngót, rau muống… doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Hữu Cường ở xã Đại Đồng cho biết, với diện tích khoảng 2ha trồng hoa công nghệ cao trong nhà lưới, hoa sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi năm, gia đình ông thu 1-2 tỷ đồng/ha...

Mặc dù, việc phát triển nông nghiệp tập trung trên địa bàn huyện thu được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn, bất cập. Cụ thể, hiện diện tích chuyển đổi tại một số địa phương còn nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản chưa phát triển; đầu ra nông sản còn bấp bênh...

Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển nông nghiệp tập trung quy mô lớn, huyện Thạch Thất đang tìm các giải pháp, nhằm tạo điều kiện cho các trang trại mở rộng sản xuất, chăn nuôi như tạo quỹ đất sạch tại vùng quy hoạch tập trung để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh vai trò là khâu trung gian kết nối doanh nghiệp với người dân trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; xây dựng thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc...

Định hướng phát triển trong việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện, hệ thống kênh mương, nhà bảo quản, sơ chế tại các vùng đã được quy hoạch sản xuất tập trung.

Từ nay đến năm 2025, Thạch Thất triển khai thực hiện 8 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Canh Nậu, Hương Ngải, Dị Nậu, Đại Đồng, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Phú Kim. Cùng với đó, Thạch Thất tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị thu nhập...

Nam Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm