Thử nghiệm biến đổi gan lợn để cấy ghép trên cơ thể người

Thử nghiệm biến đổi gan lợn để cấy ghép trên cơ thể người

Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Miromatrix thành phố Minneapolis thuộc bang Minnesota, Mỹ, đang thử nghiệm biến đổi gan lợn sao cho có hình dáng, cấu trúc và cơ chế hoạt động giống gan người, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép.

Cụ thể, các nhà khoa học tiến hành loại bỏ các tế bào thực hiện chức năng chuyển hóa của gan lợn. Màu sắc của gan lợn nhạt dần khi các tế bào phân hủy và bị đào thải. Kết quả thu được một khung lá gan "rỗng" có cấu trúc tổ ong và gần như trong suốt. Sau đó, các nhà khoa học đưa vào khung lá gan rỗng này các tế bào gan người hiến tặng nhưng không cấy ghép được. Những tế bào gan người sẽ di chuyển đến mọi ngóc ngách của khung lá gan này để tái khởi động các chức năng của cơ quan nội tạng này.

Giám đốc điều hành của Miromatrix, ông Jeff Ross, cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi làm lại cơ quan nội tạng này. Cơ thể người sẽ không nhận diện đó là gan lợn nữa”.

Nếu được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép, dự kiến thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sẽ được triển khai vào năm tới với một lá gan đã biến đổi sinh học được dùng như một thiết bị ngoài cơ thể cho người bị suy giảm chức năng gan đột ngột, giống cách mà máy ECMO hoạt động tạm thay cho tim, phổi. Thử nghiệm này nếu thành công có thể coi là một bước đi quan trọng tiến tới cấy ghép các nội tạng nhân tạo khác bằng công nghệ sinh học, có thể là cấy ghép thận. Hiện có tới 105.000 người trong danh sách chờ ghép tạng ở Mỹ, trong đó hàng nghìn người có thể sẽ không duy trì được sự sống cho đến khi được hiến tạng.

Tiến sĩ Sander Florman, Giám đốc bộ phận ghép tạng tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng cấy ghép dị chủng có thể sẽ khả thi trong tương lai gần.

Cấy ghép dị chủng là cấy ghép các cơ quan từ động vật vào con người, thường cũng được "lai" với tế bào người và nuôi trong cơ thể con vật thí nghiệm. Một số nhóm nghiên cứu trên thế giới đã theo hướng đi này, điển hình là 3 ca cấy ghép tim lợn cho người chết não được nhóm nghiên cứu do Trường Y khoa thuộc Đại học Maryland (Mỹ) dẫn đầu thực hiện. Tuy nhiên người đầu tiên đã qua đời vào tháng 3/2022, nghi do một loại mầm bệnh ở lợn trong quả tim cấy ghép.

Phan An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm