Thông xe hầm Hải Vân 2

Sáng 11/1, tại khu vực phía Nam hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), đã diễn ra Lễ khánh thành và thông xe hầm đường bộ Hải Vân 2. Buổi lễ do Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Đèo Cả phối hợp tổ chức. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tham dự, phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Thong xe ham Hai Van 2 hinh anh 1 Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành công trình hầm Hải Vân 2. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công trình hầm đường bộ Hải Vân 2 là một công trình lớn, có kỹ thuật công nghệ phức tạp, được chủ đầu tư và các nhà thầu trong nước thực hiện đã khẳng định sự tiến bộ vượt bậc về năng lực đầu tư cũng như kỹ thuật, công nghệ thi công của Việt Nam. Việc hoàn thành công trình hầm Hải Vân 2 sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh của khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung.

Thong xe ham Hai Van 2 hinh anh 2 Những chiếc xe đầu tiên qua hầm Hải Vân 2 sau lễ khánh thành. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Đồng thời, công trình đảm bảo sự kết nối đồng bộ hơn, thúc đẩy sự lưu thông, phát triển của cả khu vực miền Trung – Tây nguyên cũng như cả nước.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Tập đoàn Đèo Cả sẽ vận hành cho các phương tiện lưu thông qua cả 2 ống hầm Hải Vân 1 và Hải Vân 2 trong 20 ngày, từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 21/2/2021 (tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành (Hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường) để chờ giải quyết một số vướng mắc tài chính chưa được giải quyết.

Thong xe ham Hai Van 2 hinh anh 3 Hai ống hầm 1 và 2 tại khu vực phía Nam hầm Hải Vân. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Hạng mục hầm Hải Vân 2 thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, với chiều dài 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn) là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á. Hầm Hải Vân 2 là công trình khó khăn bậc nhất về mặt kỹ thuật và giải pháp công nghệ tại Việt Nam. Quá trình xây dựng phải xử lý các khâu kỹ thuật phức tạp, vừa thi công hầm Hải Vân 2 lại vừa phải đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông cho hầm Hải Vân 1. Tinh thần quyết tâm cộng với nỗ lực đổi mới công nghệ đã giúp dự án hầm Hải Vân 2 được hoàn thành chỉ sau gần 4 năm thi công.


Việc hoàn thành dự án hầm Hải Vân chứng tỏ tính ưu việt của hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Cách làm này đã giúp huy động nguồn lực xã hội vào giải quyết các vấn đề phát triển của đất nước một cách hiệu quả - tiết kiệm chi phí không nhỏ, rút ngắn đáng kể thời gian thi công và đảm bảo chất lượng công trình.

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2016 gồm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân.

Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe. Trong mỗi ống đảm bảo 2 làn xe rộng 7 m, đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1 m, hai dải an toàn 1,5 m... Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí; trạm dừng đỗ kỹ thuật.

Quốc Dũng

Tin liên quan

Đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào khai thác

Ngày 21/8, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả và lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức Lễ thông xe toàn tuyến đưa Hầm đường bộ Đèo Cả vào vận hành, khai thác, lập thành tích chào mừng ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.


50 năm quan hệ Việt Nam – Campuchia:

Ngày 19/7/2017, Lễ thông xe vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia đã diễn ra tại cặp cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai, Việt Nam) – Oyadav (tỉnh Ratanakiri,Campuchia). Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Ke Kim Ya đồng chủ trì Lễ thông xe. Cùng dự có đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành và nhân dân hai tỉnh Gia Lai và Oyadav.



Đề xuất