Thông tin liên quan tới xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016

Thông tin liên quan tới xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016

 Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 cơ bản thành công. Trong năm 2016, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được; đồng thời có các giải pháp để hạn chế bất cập theo định hướng tăng quyền tự chủ cho các trường. Bộ sẽ xây dựng các giải pháp nhằm hạn chế thí sinh ảo; tiến hành chia các đợt xét tuyển với nhiều mức điểm khác nhau; khuyến khích các trường nhóm trên liên kết, tự phối hợp trong công tác tuyển sinh, góp phần tăng quyền lợi cho thí sinh, không gây khó khăn trong xét tuyển… 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, một số trường đại học, cao đẳng nhiều năm liền tuyển sinh rất khó khăn, nếu kéo dài sẽ rất lãng phí nguồn lực cơ sở vật chất và đội ngũ. Trong một vài ngày tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2014 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2015 – 2016 khối đại học, cao đẳng và đưa ra các giải pháp nhằm điều chỉnh công tác xét tuyển đại học, cao đẳng để các nhà trường, nhà giáo cùng thảo luận. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm với giáo dục đại học năm học tới sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị là cơ cấu, sắp xếp lại các trường cho phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đảm bảo chất lượng đào tạo. 

Phụ huynh và học sinh theo dõi kết quả thi đại học tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Phụ huynh và học sinh theo dõi kết quả thi đại học tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Đối với một số trường hợp thí sinh nhập học một thời gian khá dài mới biết mình không đủ điều kiện đỗ vào trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, thực tế, đa số các hồ sơ không đảm bảo đều được phát hiện ngay từ khi nhập học. Tuy nhiên, một số trường để thí sinh nhập học hàng tháng mới phát hiện hồ sơ không đủ điều kiện trúng tuyển là do công tác hậu kiểm không nhanh chóng như mong muốn. Nguyên nhân có thể do trường làm chậm, nhưng cũng có thể do thí sinh đề nghị nhà trường cho thời gian để bổ sung hồ sơ, nhưng sau đó không bổ sung được… Những trường hợp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn để các trường giải quyết quyền lợi hợp lý cho thí sinh. 

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề cập đến các biện pháp giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm. Theo Thứ trưởng, việc này không thể chỉ giải quyết bằng giải pháp hành chính mà cần nhiều giải pháp hỗ trợ lẫn nhau, trong đó cần tiến hành mạnh mẽ đổi mới kiểm tra, đánh giá, phương pháp dạy học… "Cấm" chỉ là một giải pháp, khi đổi mới phù hợp thì những vấn đề tiêu cực sẽ dần được hạn chế. Ví dụ điển hình là đổi mới kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với cách ra đề mới mẻ, bám sát chương trình cũng góp phần hạn chế việc dạy học thêm. 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định cho biết: Hiện nay vẫn có tình trạng giáo viên lớp 1 dạy "lướt" ở trường, bắt buộc trẻ phải học trước mới theo kịp chương trình. Việc làm này hoàn toàn sai chủ trương, Bộ sẽ yêu cầu các Sở chấn chỉnh tình trạng này. Thông tư 30 vừa ban hành về đánh giá học sinh tiểu học chính là giải pháp để hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm. Đây được đánh giá là biện pháp tích cực. Mặt khác, nhiều phụ huynh cũng có tâm lý muốn con vượt trội hơn bạn bè nên ép con phải học trước chương trình.../. 

Có thể bạn quan tâm