Thông Nông: Nuôi dê, hướng đi mới thoát nghèo ở Nà Tềnh

Thông Nông: Nuôi dê, hướng đi mới thoát nghèo ở Nà Tềnh
Xóm Nà Tềnh có địa hình chủ yếu là đồi núi cao với 40 hộ dân sinh sống, 100% đều là người dân tộc Dao. Ông Triệu Văn Dắt, một trong bốn hộ dân của xóm thực hiện hiệu quả mô hình nuôi dê sinh sản và dê thịt, chia sẻ: Dê là loài động vật ăn tạp, ít bị ốm, sức đề kháng cao, chăn thả tự nhiên, thức ăn chủ yếu là cây cỏ, hoa lá, không cần thức ăn tinh bổ sung nên chăn nuôi không vất vả và tốn kém như các mô hình chăn nuôi khác. Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 - 12 tháng, thời điểm này con dê sẽ đạt trọng lượng từ 30 - 35 kg/con, trung bình 2 năm dê đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con; chuồng trại không đòi hỏi diện tích lớn. Năm 2014, khi biết Hội Nông dân xã Cần Nông triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản, tôi đăng ký tham gia. Được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện, gia đình vay thêm vốn ngân hàng mua 6 con dê về nuôi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên chết 2 con, gia đình kiên trì học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, ti vi và đi tham quan thực tế mô hình nuôi dê ở nhiều nơi. Hiện, gia đình duy trì nuôi từ 20 - 30 con. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình bán hơn 10 con dê, trừ các chi phí thu lãi trên 50 triệu đồng.

Nông dân xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông đầu tư chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt đem lại hiệu quả kinh tế

Nông dân xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông đầu tư chăn nuôi dê sinh sản
và dê thịt đem lại hiệu quả kinh tế


Cũng như gia đình anh Dắt, gia đình ông Triệu Tà Sính đã nhanh chóng thoát nghèo nhờ phát triển mô hình nuôi dê. Ông Sính cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, quanh năm chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô và chăn nuôi bò thả. Năm 2014, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm dê giống về nuôi thả, hiện nay đàn dê của gia đình đã sinh sản được trên 40 con, nhờ đó, đời sống gia đình ngày càng khấm khá hơn.

Nếu so với chăn nuôi lợn hoặc bò thì chăn nuôi dê hiệu quả hơn nhiều vì vốn đầu tư ít, không tốn tiền mua thức ăn nhưng để nuôi dê thành công ngoài việc chịu khó học tập kinh nghiệm, các gia đình chú trọng cách chăm sóc, phòng bệnh đàn dê và thay đổi con giống nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Các hộ nuôi dê tại xóm khẳng định việc chăn nuôi dê rất phù hợp với địa phương, bởi nơi đây chủ yếu địa hình đồi núi cao, khí hậu thuận lợi cho cây tạp, cỏ dại phát triển là nguồn thức ăn dồi dào để chăn thả dê. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ dê rất mạnh, bán được giá cao, dê ít bị dịch bệnh, chi phí thức ăn không nhiều nên mang hiệu quả kinh tế khá cao.

Bà Nông Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thông Nông cho biết: Sau khi nắm bắt được nhu cầu thị trường và nguyện vọng của các hội viên, Hội phối hợp với chính quyền xã Cần Nông và Hội Nông dân xóm Nà Tềnh tiến hành chọn điểm, chọn hộ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật làm chuồng trại, chăn nuôi, ưu tiên những hộ nghèo, hộ chính sách và những hộ chăn nuôi trang trại; tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn. Đặc biệt, Hội trích Quỹ Hỗ trợ nông dân cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển đàn dê. Đến nay, mô hình nuôi dê ở xóm Nà Tềnh mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều hộ gia đình nghèo. Từ việc một số hộ nuôi thành công mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện phối hợp với các đoàn thể, chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động để hội viên nhân rộng mô hình, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm