Thơm ngon cháo lòng Cái Tắc

Thơm ngon cháo lòng Cái Tắc
Cháo lòng Cái Tắc nổi tiếng gần xa.
Cháo lòng Cái Tắc nổi tiếng gần xa.

Không biết cháo lòng Cái Tắc xuất hiện từ khi nào, chỉ biết nó là món ăn ngon không chỉ nổi tiếng trong tỉnh Hậu Giang mà còn vươn ra xa khắp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Rất đông du khách đến từ các tỉnh, thành ĐBSCL, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí là Việt kiều khi có dịp đi ngang qua thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A), đã dành chút thời gian ghé lại để thưởng thức món cháo lòng thơm ngon này. Vừa thưởng thức xong tô cháo lòng Cái Tắc, bà Phạm Thị Đẹp, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi đã từng ăn cháo lòng ở nhiều nơi, nhưng ít có nơi đâu hương vị lại thơm ngon, đậm đà như cháo lòng Cái Tắc. Người đầu bếp đã nêm nếm rất vừa ăn, khiến hương vị rất hài hòa, ăn hết một tô mà chưa thấy ngán. Nếu có dịp, tôi sẽ ghé lại đây thưởng thức thêm nhiều lần nữa”.

Có thể nói, “thương hiệu” cháo lòng Cái Tắc nổi tiếng gần xa là nhờ sự thơm ngon đặc biệt của mình. Cháo lòng Cái Tắc được nấu rất nhừ và lỏng. Lúc nồi cháo sôi, đầu bếp cho huyết, thịt, phèo, phổi… vào cho đến khi nồi cháo nhừ thì họ vớt những thứ đó ra để trên mâm, chỉ chừa lại những miếng huyết. Do người bán thường dùng vá (muôi) quậy nồi cháo cho đều nên huyết cũng tan ra thành từng miếng nhỏ, màu huyết hòa vào cháo, tạo nên màu trắng ngà ngà trông thật bắt mắt.

Nếm thử một miếng cháo lòng Cái Tắc, mọi người sẽ cảm nhận được vị ngọt béo được tiết ra từ lòng heo. Khi ăn không quên cho vào tô cháo các loại rau ăn kèm như: rau đắng, bắp chuối, rau má, giá để tô cháo tăng thêm mùi vị. Trên bàn của quán lúc nào cũng có thêm dĩa bánh củ cải. Khách có thể xé bánh cho vào tô để ăn thêm. Nhiều người còn cho bún vào cháo để ăn theo sở thích của mình. Ngồi húp muỗng cháo, nhai mấy miếng lòng dai dai chấm với nước mắm mằn mặn, chua cay, kèm theo hương vị của các loại rau ăn kèm mới thấy hết được sự thơm ngon, đậm đà của món cháo lòng Cái Tắc.

Nhờ sự thơm ngon đặc biệt, cháo lòng Cái Tắc đã thu hút nhiều thực khách gần xa đến thưởng thức.
Nhờ sự thơm ngon đặc biệt, cháo lòng Cái Tắc đã thu hút nhiều thực khách gần xa đến thưởng thức.
Trên địa bàn thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, hiện nay vẫn còn một số quán bán cháo lòng Cái Tắc, mỗi quán có “bí quyết” nấu riêng, nhưng vẫn đảm bảo độ thơm ngon đúng “thương hiệu” của cháo lòng Cái Tắc.

Bà Phan Thị Ngọc Thúy, chủ quán cháo lòng Cái Tắc Ngọc Thúy, ở ấp Tân Phú, thị trấn Cái Tắc, đã làm nghề bán cháo lòng Cái Tắc từ hàng chục năm nay. Lúc còn trẻ, bà Thúy may mắn được học “bí quyết” nấu cháo lòng Cái Tắc từ người mẹ chồng. Bà Thúy cho biết: “Để có được hương vị thơm ngon thì quán tôi rất chú trọng đến chất lượng nguyên liệu khi nấu. Các loại: thịt, gan, tim, lưỡi, phèo… khi nấu cháo phải được chọn lựa thật kỹ lưỡng, đảm bảo độ tươi ngon. Số lượng những thứ ấy càng nhiều càng giúp cho nước cháo tăng thêm vị ngọt. Một phần quan trọng nữa là cách nêm nếm gia vị phải thật vừa ăn, để đảm bảo món cháo của quán mình phải thật ngon thì mới giữ chân được khách”.

Dù có hàng chục năm trong nghề này, nhưng bà Thúy vẫn miệt mài tìm tòi, học hỏi những cách chế biến mới để làm tăng thêm hương vị thơm ngon của món cháo lòng Cái Tắc. Bởi theo bà Thúy, đó là trách nhiệm mà bà nên làm để duy trì “thương hiệu” cháo lòng Cái Tắc nổi tiếng gần xa. Được biết, quán cháo lòng Cái Tắc của bà Thúy bán khoảng 300 tô cháo mỗi ngày. Riêng ngày thứ bảy, chủ nhật thì số lượng tăng lên đáng kể. Nhờ vậy mà gia đình bà sống nhờ món cháo lòng Cái Tắc gia truyền.

Hiện tại, món cháo lòng Cái Tắc đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Nhưng nếu được thưởng thức tại Hậu Giang - nơi được xem là xuất xứ của cháo lòng Cái Tắc thì hương vị chắn hẳn sẽ đậm đà hơn.
Theo baohaugiang.com.vn

Có thể bạn quan tâm