Thoát nghèo nhờ mô hình xoay vòng vốn

Thoát nghèo nhờ mô hình xoay vòng vốn
Mô hình dùng vốn xoay vòng tại xã Thiện Hưng ra đời từ năm 2012, được phụ nữ thuộc Ban Liên lạc nữ cựu chiến binh xã Thiện Hưng tích cực tham gia. 
 
Hội Phụ nữ huyện Bù Đốp tặng mái ấm tình thương cho hội viên khó khăn về nhà ở. Ảnh: Bình Phước online
Hội Phụ nữ huyện Bù Đốp tặng mái ấm tình thương cho hội viên khó khăn về nhà ở. Ảnh: Bình Phước online

Ban đầu, mô hình không được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, đến nay số chị em tham gia mô hình đã đạt 64 người. Số vốn xoay vòng của Ban Liên lạc nữ Cựu chiến binh không ngừng tăng, từ 5 triệu đồng ban đầu lên hơn 35 triệu đồng. Với số vốn này, trong những năm qua Ban Liên lạc đã giúp đỡ 36 lượt chị em vay xoay vòng. M ô hình hoạt động của Ban liên lạc nữ cựu chiến binh xã Thiện Hưng được chia cụ thể thành 6 tổ, mỗi tổ bình quân 10 người. Theo đó, tổ xoay vòng vốn thấp nhất được 4 triệu đồng, tổ cao nhất 9 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Liên lạc còn triển khai thực hiện mô hình Hũ gạo tiết kiệm và nuôi lợn đất để tạo quỹ thăm hỏi các thành viên gặp khó khăn. Hiện nay, Ban Liên lạc đang quản lý hũ gạo trên 500 kg và lợn đất tiết kiệm trên 7 triệu đồng. 

Nữ cựu chiến binh Lê Thị Lan, sinh năm 1953 tại thôn 3 xã Thiện Hưng là một trong số nhiều chị em đã được hỗ trợ thoát nghèo từ nguồn vốn của mô hình. Bà Lan có 7 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ. Khi trở về quê hương, sức khỏe yếu, khả năng lao động hạn chế nên bà Lan gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Khó khăn càng chồng chất khi chồng bà Lan không may bệnh nặng qua đời. Cả gia đình 5 người chỉ trông chờ vào đồng tiền ít ỏi bà Lan kiếm được nên đói nghèo cứ mãi đeo bám. 

Cảm thông với hoàn cảnh của bà Lan, Ban Liên lạc nữ cựu chiến binh xã Thiện Hưng đã vận động các thành viên đóng góp tổng số tiền trên 5 triệu đồng, hỗ trợ bà Lê Thị Lan đầu tư nuôi 3 con lợn nái sinh sản. Đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ sau vài đợt nuôi bà Lan đã tích lũy cho mình một số vốn để đầu tư sang nuôi lợn rừng lai và nuôi dê sinh sản kết hợp vườn tiêu. Từ sự hỗ trợ ban đầu, đến nay bà Lan đã có một đàn lợn rừng lai trên 10 con trong đó có 2 lợn nái, một đàn dê sinh sản 6 con cùng vườn mảnh vườn trên 200 trụ cây hồ tiêu. Sau trừ hết chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm. Nữ cựu chiến binh Lê Thị Lan chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn xoay vòng của Ban Liên lạc nữ cựu chiến binh xã, gia đình tôi đã tạm ổn về kinh tế, thoát khỏi khó khăn, đói nghèo. 

Ngoài bà Lan, nhiều thành viên trong Ban Liên lạc nữ cựu chiến binh xã Thiện Hưng đã thoát cảnh nghèo khó nhờ mô hình vốn xoay vòng; có điều kiện tiếp cận vốn vay để phát triển chăn nuôi, cây tiêu, cây điều...; từ đó mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Có 36 gia đình trong xã đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn. Ban Liên lạc nữ cựu chiến binh xã Thiện Hưng phấn đấu trong năm 2017 sẽ xóa nghèo trong phạm vi gia đình của tất cả các thành viên. 

Trưởng Ban Liên lạc nữ cựu chiến binh xã Thiện Hưng Nguyễn Thị Dung cho biết: Phẩm chất của người lính luôn có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong bất cứ hoàn cảnh nào. Từ đó, chúng tôi đã xây dựng mô hình sử dụng vốn xoay vòng để chị em làm ăn, xóa đói giảm nghèo trong những gia định cựu chiến binh. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn giúp tăng thêm sự gắn bó, đoàn kết, chia sẻ giữa các thành viên. 

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thiện Hưng Lê Cảnh Phúc chia sẻ, trong những năm qua, Ban liên lạc nữ cựu chiến binh của xã luôn duy trì các hoạt động xây dựng phong trào hội gắn liền với xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ngoài giúp đỡ phát triển kinh tế, các thành viên trong Ban Liên lạc nữ cựu chiến binh mặc dù sức khỏe hạn chế nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Mô hình xoay vòng vốn hỗ trợ nữ cựu chiến binh phát triển kinh tế là mô hình tiêu biểu của xã, đang được tiếp tục duy trì và nhân rộng, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới. 

TTXVN
TTXVN

Có thể bạn quan tâm