Thiếu giáo viên tại vùng cao Hà Giang - bài toán khó giải

Thiếu giáo viên tại vùng cao Hà Giang - bài toán khó giải

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao núi đất phía Tây của tỉnh Hà Giang, đây là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp không ít khó khăn. Lĩnh vực giáo dục cũng không ngoại lệ. Ngoài những thách thức hiện hữu do điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội, vấn đề thiếu giáo viên môn tiếng Anh đang là “bài toán khó” khiến các ngành, các cấp trăn trở.

Thiếu giáo viên tại vùng cao Hà Giang - bài toán khó giải ảnh 1Cô giáo Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Thàng Tín (Hoàng Su Phì, Hà Giang) dạy học tiết tiếng Anh ở khối lớp 3. Ảnh: Nam Thái – TTXVN

Việc thiếu giáo viên tiếng Anh là khó khăn rất lớn trong việc bố trí tổ chức dạy học cho các học sinh lớp 3 khi môn tiếng Anh là môn học bắt buộc theo chương trình mới. Năm học 2022-2023, toàn huyện có 25 trường, trong đó có 13 trường Tiểu học; 12 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở với 61 lớp/1.665 học sinh lớp 3 triển khai bắt buộc tổ chức dạy học môn tiếng Anh và Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong năm học này, toàn huyện chỉ có 5 giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học và 25 giáo viên khối Trung học Cơ sở. Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hoàng Su Phì đánh giá, hiện nay, số lượng giáo viên tiếng Anh của huyện đang thiếu khá nhiều.

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng bày tỏ, nguồn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh còn khó đối với huyện, bởi công tác đào tạo môn tiếng Anh ở địa phương còn ít. Cùng với đó, do địa hình vùng sâu vùng xa, các giáo viên mới ra trường hiếm khi lên đây để tham gia ứng tuyển.

Thiếu giáo viên tại vùng cao Hà Giang - bài toán khó giải ảnh 2

Cô giáo Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Thàng Tín (Hoàng Su Phì, Hà Giang) phải dạy kiêm nhiệm cả khối trung học cơ sở và tiểu học. Ảnh: Nam Thái – TTXVN

Là địa bàn giáp biên, điều kiện kinh tế - xã hội tại xã Thàng Tín (huyện Hoàng Su Phì) còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thiện Hà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Thàng Tín cho biết, hiện tại, trường có một cô giáo dạy tiếng Anh, cô giáo tốt nghiệp Đại học sư phạm tiếng Anh chuyên môn Trung học Cơ sở. Do điều kiện thiếu giáo viên, cô phải xuống kiêm nhiệm thêm cả cấp Tiểu học. Do đó, cô cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác soạn giảng. Bên cạnh đó, với số tiết dạy quá lớn, có những ngày, buổi sáng cô dạy 4 tiết, chiều lại đảm nhiệm 3 tiết, ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của giáo viên.

Thiếu giáo viên tiếng Anh đang là vấn đề lớn. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng chuyên môn dạy và học rất đáng để lưu tâm. Là giáo viên dạy khối Trung học Cơ sở, trong năm học này, cô giáo Phạm Thị Hương, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Thàng Tín phải “tăng cường” dạy cho học sinh khối Tiểu học. Cô Hương bày tỏ: Do tình trạng thiếu giáo viên, cô phải kiêm nhiệm thêm cả khối Tiểu học. Khó khăn lớn nhất đối với cô Hương là do đang quen dạy học ở môi trường các học sinh lớn hơn, nhận thức nhanh hơn. Bây giờ dạy cả các em nhỏ, đang độ tuổi rèn chữ, rèn nền nếp, việc truyền tải kiến thức không suôn sẻ.

“Thời gian một tiết học chỉ có 35 phút, nội dung kiến thức không quá nhiều nhưng tôi gặp khá nhiều trở ngại, như việc bất đồng ngôn ngữ. Ở xã biên giới này, đa phần các em là dân tộc thiểu sổ, thuộc nhiều dân tộc khác nhau, nhiều em chưa đọc thông viết thạo. Bên cạnh đó, mặc dù ở trên lớp, cô trò tương tác với nhau khá nhiều. Khi về nhà, các em không được ôn luyện lại, một tuần có 4 tiết học, nhưng khi sang tuần mới, những kiến thức cũ đã dạy, cô lại phải bỏ rất nhiều thời gian để nhắc và ôn lại.” Cô Phạm Thị Hương chia sẻ.

Thiếu giáo viên tại vùng cao Hà Giang - bài toán khó giải ảnh 3Học sinh lớp 6 tại huyện vùng cao Hà Giang trong tiết học tiếng Anh. Ảnh: Nam Thái – TTXVN

Ngành Giáo dục xác định thực hiện đúng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, đảm bảo việc tổ chức dạy học môn tiếng Anh, môn Tin học lớp 3 tại các trường Tiểu học, trường Phổ thông có lớp tiểu học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 quy định. Ngành Giáo dục huyện Hoàng Su Phì đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Giáo viên cấp Trung học Cơ sở được sắp xếp, bố trí dạy hỗ trợ cho các trường Tiểu học nếu như các trường gần nhau. Đồng thời, các trường bố trí thời khóa biểu hợp lý để các thầy cô thuận tiện trong việc di chuyển từ trường nọ sang trường kia, tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên tham gia giảng dạy.

Đối với các điểm trường ở xa, ngành Giáo dục huyện tham mưu UBND các xã, thị trấn thực hiện phương án chuyển học sinh từ các điểm trường về học tại trường chính để thuận lợi cho việc dạy và học, nhằm đảm bảo mục tiêu 100% các em học sinh lớp 3 được học tiếng Anh, Tin học. Cùng với đó, ngành đã đưa ra phương án dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hoàng Su Phì, nhằm động viên các thầy cô, ngành đã gặp gỡ, làm công tác tư tưởng để các thầy cô xác định được nhiệm vụ, thách thức của năm học này, đồng thời vận động các thầy cô cùng cố gắng để thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Đối với những thầy cô dạy quá số tiết, ngành sẽ tham mưu lên các cấp, ngành để chi trả chế độ thừa giờ, hỗ trợ đi lại cho các thầy cô để các thầy cô an tâm tiếp tục sự nghiệp “trồng người”.

Để đảm bảo việc dạy và học được tốt, ngành Giáo dục huyện Hoàng Su Phì đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang tiếp tục tổ chức tập huấn trực tiếp, cho đội ngũ giáo viên cốt cán môn tiếng Anh và môn Tin học Tiểu học và Trung học Cơ sở để các giáo viên nắm chắc hơn nữa việc thực hiện chương trình sách giáo khoa tiếng Anh, Tin học lớp 3 và hỗ trợ giáo viên khác.

Thiếu giáo viên tại vùng cao Hà Giang - bài toán khó giải ảnh 4 Học sinh lớp 3 tại huyện vùng cao Hà Giang trong tiết học tiếng Anh. Ảnh: Nam Thái – TTXVN

Đồng thời,ngành đề nghị các cấp, các ngành có thẩm quyền tuyển mới bổ sung thêm giáo viên tiếng Anh, Tin học để đảm bảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó, quan tâm, hỗ trợ cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị máy móc cho các đơn vị trường học nhằm phục vụ cho các phòng học trực tuyến môn tiếng Anh.

Việc dạy và học ở những địa bàn xa xôi, vùng cao, vùng biên giới luôn là điều khó khăn ngay cả trong điều kiện đầy đủ giáo viên. Việc thiếu giáo viên ở những địa bàn đặc thù này lại khiến những khó khăn ấy nhân lên gấp nhiều lần. Đây không phải vấn đề có thể giải quyết trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện, đi lên, hai yếu tố cả về “chất” và về “lượng” đều cần được đảm bảo.

Nam Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm