Thiết thực phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Chư Jút

Thiết thực phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Chư Jút
Gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, thôn 1, xã Chư K'nia có gần 4 ha đất canh tác, trong đó có 2,4 ha trồng cà phê và 1,5 ha trồng tiêu. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.

Ông Lâm cho biết, trước đây do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất và chăn nuôi rất hạn chế. Năng suất cà phê bình quân chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha. Do đó, gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau khi được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và học hỏi kinh nghiệm, ông đã biết cách bón phân, tỉa cành, tạo tán, ghép chồi và phòng trừ dịch bệnh đúng cách. Từ đó, vườn cây của gia đình ông phát triển, năng suất tăng lên, giúp thu nhập của gia đình được cải thiện rất nhiều. Trong vụ thu hoạch sắp tới, ông ước tính năng suất cà phê có thể đạt 4 - 4,5 tấn/ha, hồ tiêu cũng có thể đạt khoảng 5 tấn/ha. Đàn gia súc, gia cầm của gia đình cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng năm.

Vườn tiêu trồng xen cà phê của ông Nguyễn Văn Lâm ở thôn 1, xã Chư K'nia (Chư Jút)
Vườn tiêu trồng xen cà phê của ông Nguyễn Văn Lâm ở thôn 1, xã Chư K'nia (Chư Jút)
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Thanh Vân ở xã Nam Dong cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi heo, dê và nuôi cá. Trừ hết chi phí đầu tư, gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.

Từ đó, ông mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng chuồng trại, mua con giống, học cách chăn nuôi an toàn, bền vững nên hiệu quả kinh tế ngày càng được nâng cao. Theo ông Vân, để chăn nuôi an toàn, bền vững, bên cạnh việc làm tốt vệ sinh chuồng trại, cho ăn, uống đầy đủ, đúng cách, còn phải thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho đàn heo đúng quy trình kỹ thuật.

Ông Đỗ Văn Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Jút cho biết: Thời gian qua, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã được triển khai rộng rãi trên tất cả các xã, thôn, buôn. Để thực hiện có hiệu quả phong trào này, Huyện hội đã chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện nhiều biện pháp cụ thể như: Tuyên truyền vận động bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học vào sản xuất; phối kết hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ cho người nông dân trong quá trình lao động sản xuất… Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ đó, các hội viên có điều kiện để giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, giảm nghèo và cải thiện cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả cao như mô hình chăn nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo tại 4 xã và thị trấn Ea T’ling; mô hình trồng rau an toàn tại thôn 4, thôn 5 xã Tâm Thắng và bon U3, thị trấn Ea T’ling; mô hình chăn nuôi heo siêu nạc tại xã Ea Pô; mô hình trồng tiêu tại xã Đắk Wil, Chư K’nia... Trong năm 2015, toàn huyện có 4.900 hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 107% kế hoạch.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm