Thiên tai gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Công an huyện Na Hang (Tuyên Quang) hỗ trợ người dân thôn Khau Phiêng khắc phục hậu quả do mưa lũ. Ảnh: Nam Sương - TTXVN
Công an huyện Na Hang (Tuyên Quang) hỗ trợ người dân thôn Khau Phiêng khắc phục hậu quả do mưa lũ. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Ngày 26/8, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thông tin từ Hệ thống quản lý cháy rừng của Cục Kiểm lâm ngày 25/8, cả nước có 162 điểm xảy ra cháy rừng tại 15 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Phước.

Thiên tai gây nhiều thiệt hại tại các địa phương ảnh 1Công an huyện Na Hang (Tuyên Quang) hỗ trợ người dân thôn Khau Phiêng khắc phục hậu quả do mưa lũ. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Cục Kiểm lâm cảnh báo, ngày 26/8, cả nước có 98 vùng trọng điểm cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tập trung chủ yếu ở các khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó có 82 vùng cảnh báo cấp V gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum; 18 vùng cảnh báo cấp IV: Sơn La, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Khánh Hòa.

Từ thực tế trên, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo Công điện số 905/CĐ-TTg ngày 1/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, mưa lớn xảy ra rạng sáng 26/8 tại thành phố Hải Phòng gây ngập lụt sâu nhiều tuyến đường trong nội thành như: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An... trung bình từ 40cm đến gần 1m nước. Một số tuyến phố bị ngập sâu là Lạch Tray, Cầu Đất, Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Đà Nẵng, khu vực Ngã Năm với hàng ngàn hộ dân bị nước tràn vào nhà, ảnh hưởng tới sinh hoạt.

Mưa lớn và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại nghiêm trọng làm 4 người chết và bị thương ở các tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên; 163 nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng và cuốn trôi tại các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên; 471 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 613 con gia súc, gia cầm bị chết; 8,5ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 5 tuyến đường tỉnh và một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, ngập. Mmột ô tô con bị nước cuốn trôi, sập đổ 25m tường rào UBND xã Vũ Chấn (Thái Nguyên); xói lở móng hai cột điện, đứt gãy 1.700m kênh (Sơn La).

Tại các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, mưa dông, lốc từ ngày 23-25/8 đã làm 15 người bị thương; 19 nhà bị sập; gẫy đổ 56 trụ điện, 3.000m cáp viễn thông bị đứt (Bến Tre).

Mưa lớn kéo dài gần 2 giờ đồng hồ tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chiều tối 25/8 làm nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Các tuyến đường Bùi Văn Hòa, đoạn qua vòng xoay Cổng 11 (phường Long Bình); đường Đồng Khởi, đoạn qua ngã ba Trảng Dài; Quốc lộ 1, đoạn qua ngã ba Phát Triển (phường Tân Biên)..., đều chìm trong biển nước, khiến xe máy và ô tô không di chuyển được.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu, sớm ổn định cuộc sống.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 26/8, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm/24h, có nơi trên 80mm/24h, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.

Từ ngày 26-28/8, khu vực Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 30-50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h. Riêng khu vực Bắc Trung Bộ từ chiều tối và đêm 26/8 đến ngày 27/8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 120mm/đợt, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ ngày 26-27/8, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 150mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ theo nội dung văn bản số 386/VPTT ngày 23/8/2021 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Các tỉnh, thành phố khu vực vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó mưa dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; các khu vực từ Quảng Trị đến Kiên Giang chủ động ứng phó với mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên các vùng biển.

Các địa phương nêu trên duy trì lực lượng trực ban, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm