Thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2020: Đề xuất nhiều giải pháp ứng phó trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Các thí sinh huyện đảo Phú Quý được các đội “Tiếp sức mùa thi” của Tỉnh Đoàn Bình Thuận đón tại Cảng Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Các thí sinh huyện đảo Phú Quý được các đội “Tiếp sức mùa thi” của Tỉnh Đoàn Bình Thuận đón tại Cảng Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Tại Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cấp quốc gia với 63 Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh diễn ra chiều 31/7, phần lớn các địa phương cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất, với quyết tâm cao nhằm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông nghiêm túc, an toàn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các địa phương đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có những hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sức khoẻ cho học sinh và cán bộ, giáo viên.

Thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2020: Đề xuất nhiều giải pháp ứng phó trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh 1Các thí sinh huyện đảo Phú Quý được các đội “Tiếp sức mùa thi” của Tỉnh Đoàn Bình Thuận đón tại Cảng Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

* Rà soát để phân loại thí sinh

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Năm nay, toàn thành phố có 79.263 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 143 điểm thi với 3.326 phòng thi. Tổng số 9.443 cán bộ, giáo viên được điều động tham gia công tác tổ chức thi và sẽ bổ sung ít nhất 572 cán bộ coi thi do tình hình dịch COVID -19 có diễn biến phức tạp, cùng với đó là 1.448 nhân viên, an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi.

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chủ động tăng cường cán bộ coi thi tại các điểm thi để kịp thời xử lý các tình huống theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các Ban in sao đề thi; Ban làm phách, Ban chấm thi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt và trang thiết bị y tế để phòng chống dịch, bệnh; đảm bảo đủ nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn tay, khẩu trang và nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt. Các Ban xây dựng kế hoạch hoạt động vừa đảm bảo hoàn thành công tác chuyên môn, vừa đảm bảo các quy định trong công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị phòng cách ly cho cán bộ, giáo viên, học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Mỗi điểm thi bố trí hai phòng thi dự phòng đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh theo quy định về giãn cách để sử dụng trong tình huống phát hiện thí sinh diện F2. Hội đồng thi toàn thành phố đã bố trí một điểm thi nằm trong khu vực cách ly thuận lợi để tổ chức thi cho những thí sinh diện F1.

Thành phố đã có phương án đưa thí sinh đến Điểm thi cách ly nếu trong quá trình dự thi, thí sinh được xác định diện F1; sẵn sàng xe y tế đưa thí sinh diện F1 đến Điểm thi cách ly khi được phát hiện trong kỳ thi, đồng thời có phương án in sao đề thi cho Điểm thi cách ly.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cho biết, Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự phục vụ kỳ thi tại địa phương đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm nay, toàn Thành phố có 115 điểm thi với 3.164 phòng thi. Tổng số thí sinh tham dự kỳ thi là 74.718 thí sinh.

Về phương án phòng ngừa dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức rà soát lịch sử di chuyển, tình trạng sức khỏe, đảm bảo 100% cán bộ tham gia cách ly thực hiện công tác in sao đề thi và làm phách không thuộc diện F0-F4. Bên cạnh đó, Thành phố triển khai cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác thi và học sinh lớp 12 thực hiện Tờ khai y tế để phối hợp với ngành Y tế sàng lọc, phân loại.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo cụ thể vừa đảm bảo công tác tổ chức thi, vừa phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với các vấn đề có ảnh hưởng đến quy chế thi, tính bảo mật, an toàn của kỳ thi, xây dựng và triển khai các phương án đề phòng mọi tình huống có thể xảy ra. Đại diện Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không nên tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi mà nên chia nhỏ theo đơn vị để thực hiện việc chấm bài, đảm bảo quy định về giãn cách.

Cùng với Đà Nẵng, Quảng Nam đang là “điểm nóng” của dịch COVID-19. Vì vậy, đại diện tỉnh Quảng Nam đã có kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trước hết, tiếp tục để tỉnh Quảng Nam chủ động rà soát các nội dung công việc, căn cứ vào tình hình thực tế đến ngày 6/8, nếu tình hình dịch bệnh không bùng phát, kiểm soát được cơ bản, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức thi như các tỉnh khác. Hiện nay, Quảng Nam đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chưa có cán bộ, giáo viên, học sinh nào mắc hoặc nghi mắc COVID-19.

Trong trường hợp diễn biến dịch phức tạp, Quảng Nam đề xuất lùi tổ chức kỳ thi sau 1 tháng (tức tháng 9) bằng đề thi dự bị của Bộ. Với tình hình xấu nhất, Quảng Nam đề xuất theo phương án kiến nghị của Đà Nẵng là xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh.

* Đặt vấn đề sức khỏe lên hàng đầu

Khuyến cáo về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: Để tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, Bộ Y tế cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ để có hướng dẫn chi tiết về cách thức tổ chức kỳ thi để các địa phương thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, Ban Chỉ đạo tại các địa phương phải đi kiểm tra Hội đồng thi toàn diện về các vấn đề, các giải pháp phòng chống dịch bệnh, ví dụ như: ngay khi chưa tổ chức thi, các trường đã phải có phòng trực y tế; kiểm tra vệ sinh môi trường; nhà vệ sinh tại các điểm thi; công tác khử khuẩn trước kỳ thi…

Ông Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo, tất cả các phòng thi trên toàn quốc không bật điều hòa, chỉ nên mở cửa sổ, bật quạt cho thông thoáng. Thí sinh nên đeo khẩu trang trong suốt quá trình thi. Tuy nhiên, nếu mở cửa sổ phải tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ Y tế đồng tình với các phương án phân loại thí sinh thành F0, F1, F2... để có các giải pháp xử lý. Ví dụ, thí sinh F1 thi riêng ở khu vực cách ly hoặc tổ chức điểm thi riêng; thí sinh F2 thi ở phòng thi riêng. Đối với các nhóm thí sinh này cần huy động lực lượng y tế vào cuộc, tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Các học sinh trước khi vào phòng thi nhất thiết phải được sàng lọc các biểu hiện ho, sốt.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh đã chỉ đạo rất sát sao, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi.

Tất cả 63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, đặc biệt nhiều nơi còn thành lập cả Ban Chỉ đạo thi cấp quận, huyện. Nhiệm vụ của các thành viên trong Ban Chỉ đạo được phân công rõ ràng. Lần đầu tiên, kỳ thi có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh. Nhiều hoạt động trước kia không có như phòng, chống dịch bệnh, năm nay được triển khai chặt chẽ, chu đáo.

Cho đến nay, việc chuẩn bị cho kỳ thi cơ bản đã hoàn tất. Trong thời gian gần đây, dịch COVID-19 bùng phát khiến phát sinh nhiều yêu cầu về việc tăng cường phòng dịch nhằm đảm bảo kỳ thi thực sự an toàn, không chỉ an toàn về an ninh mà cả an toàn về sức khỏe. "Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên… tham gia làm thi, rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Bộ trưởng chia sẻ: "Kỳ thi đang đến rất gần, chúng ta phải bám sát từng ngày, từng giờ diễn biến của dịch bệnh để có phương án xử lý. Một số địa phương có nguy cơ cao như Đà Nẵng, Quảng Nam cần bình tĩnh, sát sao, bám sát diễn biến dịch để cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp phù hợp liên quan đến kỳ thi".

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm