Thêm trải nghiệm thú vị trên dải đất di sản miền Trung

Thêm trải nghiệm thú vị trên dải đất di sản miền Trung
Tăng trải nghiệm văn hóa cho du khách

Show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” là một sản phẩm nằm trong chuỗi hoạt động trải nghiệm tại công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” do Tập đoàn Gami – đơn vị kinh doanh 25 năm tuổi của Việt Nam thực hiện. Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 3/2018, phiên bản 1 của “Ký ức Hội An” ngay khi ra mắt đã nhận được vô số ý kiến tranh luận trái chiều, thậm chí có những ý kiến rất gay gắt. Không quản ngại khó khăn, lắng nghe ý kiến dư luận, chuyên gia, báo giới, Ban tổ chức chỉnh sửa, cho ra mắt phiên bản 2 vào tháng 5/2018 với mong muốn mang lại một đêm diễn ấn tượng cho du khách, bắt kịp xu hướng mới của thế giới, tạo ra nhiều trải nghiệm du lịch văn hóa.
 
“Ký ức Hội An” đã miêu tả quá trình hội nhập với thế giới lấy văn hóa Việt làm trung gian dung hòa và phát triển ở Hội An. Ảnh: TTXVN
“Ký ức Hội An” đã miêu tả quá trình hội nhập với thế giới lấy văn hóa Việt làm trung gian dung hòa và phát triển ở Hội An. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà  Nguyễn Hoài Thu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gami nêu rõ: Du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, trong đó thiên về nghỉ dưỡng, vui chơi thể chất, lễ hội đường phố... Còn công viên văn hóa để du khách đắm mình trong những trải nhiệm văn hóa tinh thần thực sự chưa có. Mặt khác, 65% du khách đến Hội An chỉ lưu trú 1 đêm, tức là thời gian lưu trú rất ngắn, khó có thể khám phá, trải nghiệm hết những đặc trưng của vùng đất này.

Do đó, Tập đoàn Gami xây dựng công viên văn hóa tại Hội An, trong đó có show thực cảnh “Ký ức Hội An” để thêm sản phẩm cho du khách trải nghiệm, từ đó làm lan tỏa những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của Hội An. “Ký ức Hội An” đơn thuần là show diễn mang tính giải trí, cố gắng khai thác những giá trị văn hóa đặc trưng của Hội An chứ không phải là show diễn tái hiện chính xác từng li từng tí lịch sử vùng đất này.

“Ký ức Hội An” phiên bản 2 về nội dung lõi gần như không thay đổi, chỉ là thay đổi về hình thức thể hiện để phù hợp hơn với địa phương, điều chỉnh để khán giả xem cảm thấy không bị lặp lại, gây cảm giác thừa. Lời thoại được chỉn chu, biểu đạt gồm trang phục, âm thanh được điều chỉnh so với phiên bản đầu tiên. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gami Nguyễn Hoài Thu cho biết: Mức độ điều chỉnh là khoảng 30% so với phiên bản 1.

Vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” gồm 5 màn chính. Phần dẫn nhập đầu tiên với hình ảnh cô gái dệt lụa bên khung cửi để thu hút khán giả cũng chính là hình ảnh văn học kết nối hình ảnh Hội An từ xưa đến nay. Phần “Sinh mệnh” thể hiện cuộc sống lao động của người dân Hội An những ngày đầu mở đất. Tiếp đó là màn tái hiện đám cưới của công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân của Chăm pa để mở mang bờ cõi nước Việt. Màn “Đèn và biển” thể hiện tình yêu đẹp giữa người con gái của Hội An với chàng ngư dân. Phần tiếp theo tái hiện hình ảnh một Hội An thương cảng sầm uất vào thế kỷ XVII, XVIII. Sau cùng là  Hội An e ấp, tinh tế, dịu dàng với áo dài, nón lá… Sân khấu thực cảnh của “Ký ức Hội An” kết hợp cả sông nước núi non, chiều dài sân khấu lên đến 1km, áp dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng tối tân. Những hình tượng đặc trưng nhất của Hội An như Chùa Cầu hay chùa Nhật Bản, phổ cổ, đèn lồng, sông nước...

Sẽ tiếp tục sáng tạo để hấp dẫn du khách

Để diễn show này 6 buổi/tuần, mỗi buổi diễn dài hơn 60 phút, tập thể 500 diễn viên, biên đạo, phụ trách âm thanh, ánh sáng… của “Ký ức Hội An” phải làm việc, tập luyện rất kỷ luật, nghiêm túc với “tinh thần thép”. Đây là sản phẩm mới nên show diễn chưa được biết đến nhiều, có những đêm diễn khán giả chỉ bằng 1/10 số diễn viên trên sâu khấu. Thế nhưng ê kíp thực hiện vẫn đảm bảo show diễn hoàn hảo, để mỗi du khách đã đến trải nghiệm đều hài lòng nhất với sản phẩm này.

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết: Phố cổ Hội An chỉ có 25ha, các sản phẩm du lịch không nhiều nên thời gian lưu trú của khách du lịch còn hạn chế. Sản phẩm du lịch mới ra đời, trong đó có show thực cảnh sẽ góp phần tăng thời gian lưu trú của khách tại địa phương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam sẽ đưa chương trình vào các hoạt động xúc tiến chính thống của tỉnh, Quảng Nam cũng khích lệ các đơn vị đầu tư phát triển sản phẩm tương tự vào vùng di sản Mỹ Sơn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An Trần Ánh đánh giá cao sự cầu thị, nhanh chóng điều chỉnh show “Ký ức Hội An” của đơn vị tổ chức. Ông cho rằng đây là chương trình nghệ thuật, không phải là lịch sử nên không nhất thiết vở diễn này phải theo thời gian lịch sử mà phải chọn những chi tiết đặc sắc nhất của Hội An để tái hiện.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên chọn đám cưới của công chúa Ngọc Hoa với một thương gia danh tiếng của Nhật Bản thay vì tái hiện đám cưới công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân trong “Ký ức Hội An”. Bởi công chúa Ngọc Hoa thông qua đám cưới này đã mang văn hóa Việt Nam đến với đất nước mặt trời mọc, khắc họa mối tình bang giao đầy tính lịch sử trong mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, cố vấn chương trình: Đám cưới của Huyền Trân công chúa với vua Chế Mân là một biểu tượng của quá trình Nam tiến, mở mang bờ cõi nước Việt về phương Nam trong đó Hội An, Quảng Nam là một điểm sáng…

Bà  Nguyễn Hoài Thu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gami chia sẻ: Show thực cảnh “Ký ức Hội An” sẽ tiếp tục được chỉnh sửa sau khoảng 3-6 tháng biểu diễn để sản phẩm luôn mới, hấp dẫn du khách. Gami đã thực hiện “Ký ức Hội An” bằng tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa, con người nơi đây nên sẽ dành trọn tâm huyết cho sản phẩm này. Nếu không tâm huyết với văn hóa, bản sắc, vì lợi nhuận thì chủ đầu tư đã lựa chọn sản phẩm khác thu lợi nhuận nhanh hơn. Ngoài show thực cảnh này, công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” sắp khai trương sẽ đưa khán giả đến với nhiều hoạt động khác đậm chất Hội An thông qua nhiều hoạt động tương tác hấp dẫn.

Thanh Giang 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm