Thêm địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho đồng bào Tây Nguyên

Thêm địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho đồng bào Tây Nguyên
Trao bằng xếp hạng di tích. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Trao bằng xếp hạng di tích. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo Lê Thăng Long cho biết, di tích Sở chỉ huy vốn là Sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn 320 trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1975, nằm trong một khu rừng phía Tây Thuần Mẫn (nay thuộc xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk). Với những chiến công đặc biệt xuất sắc Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên trong chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên, ngày 26/3/1975 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định thành lập Quân đoàn 3 thuộc Binh đoàn Tây Nguyên, một trong bốn quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 27/3/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đến Sở chỉ huy Sư đoàn 320 công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3. Sau khi công bố Quyết định, Đại tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 hành quân về phía Nam để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tham gia chiến dịch này, Quân đoàn 3 đảm nhiệm mũi tiến công chủ yếu, đập tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn – Gia Định, đánh chiếm hai trong năm mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, góp phần cùng quân và dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày truyền thống mặt trận Tây Nguyên và di tích lịch sử Sở chỉ huy – Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Các đại biểu tham quan khu trưng bày truyền thống mặt trận Tây Nguyên và di tích lịch sử Sở chỉ huy – Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, Quân đoàn 3 nhận nhiệm vụ giải quyết hậu quả chiến tranh, xây dựng chính quyền, tham gia truy quét Fulro, bảo vệ biên giới với Campuchia, đánh đuổi quân Pol Pốt; đồng thời, sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng chiến lược của Tổ quốc cho đến nay.

Tại tích hiện nay còn dấu tích của 17 vị trí hầm, nằm trong khoảnh 3.5, Tiểu khu 119, địa bàn xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) với tổng diện tích trên 20 ha; trong đó, gồm 14 hầm Sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn 320, nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 và ba hầm Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh tại Tây Nguyên.

Toàn cảnh di tích Sở chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3. Ảnh: TTXVN phát
Toàn cảnh di tích Sở chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3. Ảnh: TTXVN phát

Từng là nhân chứng lịch sử, cán bộ Đại đội thuộc Sư đoàn 320 trong chiến tranh, Trung tướng Mai Hồng Bỉn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện tại là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc Mặt trận Tây Nguyên (B3) thuộc Quân đoàn 3 tại Hà Nội, xúc động cho biết: Di tích lịch sử Sở chỉ huy Sư đoàn 320 tại xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo, không chỉ mang ý nghĩa là nơi thành lập Quân đoàn 3, đây còn là nơi đánh dấu sự phát triển đỉnh cao của lực lượng vũ trang Tây Nguyên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Việc công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích này có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn giá trị lịch sử đấu tranh vũ trang của đồng bào, quân và dân các dân tộc Tây Nguyên, tri ân lực lượng vũ trang và các anh hùng liệt sĩ; đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của quân và dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
 
Hoài Thu

Có thể bạn quan tâm