Thêm 3 cây cổ thụ Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Thêm 3 cây cổ thụ Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành điều tra và xác định được 3 cây cổ thụ trong rừng tự nhiên gồm: 2 cây Nhội (Bischofia javanica) và 1 cây Cóc đỏ (Lumnitzra littorea) đáp ứng được các Tiêu chí Cây Di sản Việt Nam. Ban quản lý Vườn đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xét duyệt và công nhận 3 cây này là Cây Di sản. 
 
Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo khẳng đinh: Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng từ năm 2010, được tổ chức thực hiện trong những năm vừa qua đã thu được nhiều kết quả thiết thực. Hoạt động này góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo sinh kế cho cộng đồng và khơi dậy truyền thống tốt đẹp của người Việt. Sự kiện này đã trở thành phong trào của cộng đồng, lan tỏa khắp mọi vùng, miền trong cả nước, được dự luận xã hội đánh giá cao. 

Theo các chuyên gia Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, hệ thực vật ở Côn Đảo tương đối phong phú và đa dạng (có hơn 880 loài thực vật bậc cao, trong đó có hơn 370 loài thân gỗ, 30 loài phong lan, 103 loài dây leo, 202 loài thảo mộc v.v), đặc biệt có 11 loài được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt tên loài. Vì vậy, cùng với 79 cây cổ thụ được trồng trên các tuyến đường: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Văn Việt, Nguyễn Huệ; di tích Nhà Chúa Đảo, trại Phú Hải, trại Phú Sơn và Miếu bà Phi Yến của huyện Côn Đảo đã được Hội và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận Cây Di sản Việt Nam vào năm 2012. Việc được công nhận thêm 3 cây tự nhiên trong Vườn Quốc gia Côn Đảo là Cây Di sản Việt Nam làm tăng thêm giá trị về du lịch, góp phần phát triển kinh tế cho huyện Côn Đảo. 
Quang Chính
TTXVN

Có thể bạn quan tâm